Con trai Kim Phương kể lại quãng thời gian không học đại học, đi làm giữ xe

Tống Hạo Nhiên, có cha là nghệ sĩ Đặng Vinh Quang đã mất cách đây nhiều năm. Trong đêm thi, anh tái hiện ký ức đau buồn nhất cuộc đời mình cùng cha qua bài hát Cha yêu (nhạc sĩ Quốc Vượng) cùng với phần phụ diễn của các nghệ sĩ Tiết Duy Hòa, Tô Thiên Kiều, Quốc Dương. Tiết mục gây được nhiều cảm xúc của giám khảo, khán giả và giành được giải thưởng nhất tuần 3 của “Sao nối ngôi”.

Tên thật của Tống Hạo Nhiên là Đặng Hoàng Minh. Trong tiết mục “Cha yêu”, Tống Hạo Nhiên đưa một chi tiết thú vị về cái tên mà cha đã đặt cho anh. Trong phân đoạn đối thoại của hai cha con, người cha nói: “Cha là Đặng Vinh Quang thì phải đặt tên con là Đặng Hoàng Minh bởi ngày xưa khi diễn vở Tướng cướp Bạch Hải Đường, cha yêu thích nhân vật đó nên lấy tên đặt cho con trai”. Khung cảnh đối thoại cảm động mở màn cho tiết mục trình diễn của Tống Hạo Nhiên, tiếp nối phân cảnh anh đi hát thì bất ngờ nhận được tin cha qua đời.

Kim Phương sau khi nghe con chia sẻ không giấu nổi niềm tự hào về Tống Hạo Nhiên. Cô chia sẻ con trai có máu nghệ thuật từ bé, thời điểm những năm trước cô vô tình nghe ca sĩ Phương Thanh tiết lộ Tống Hạo Nhiên làm ca sĩ thì mới biết con trai giấu cô để đi theo nghề. Giám khảo Bạch Tuyết nói: “Mỗi người sinh ra đều có định mệnh. Chị Kim Phương phải ân hận khi để con trai phát triển nghề nghiệp yêu thích hơi muộn”.

Từ “cái tên Tống Hạo Nhiên” đi xin

Tống Hạo Nhiên có tên thật là Đặng Hoàng Minh. Từ năm học lớp 5, ba mẹ Tống Hạo Nhiên ly thân. Nghệ sĩ Kim Phương thuở ấy chưa nổi tiếng, khán giả biết đến cô qua các vở cải lương. Cô đùm đề cả gia đình gồm ngoại, cậu, mợ. Thấy được hoàn cảnh gia đình, Tống Hạo Nhiên không học đại học mà xin đi giữ xe để có tiền trang trải phụ mẹ. Đến một ngày, Kim Phương phát hiện con trai nhận giữ xe thì phát hiện và gọi về. Cô buồn khi thấy con trai ăn học 12 năm mà phải đi làm nghề giữ xe.

Sau đó, những người bạn thân rủ anh lập nhóm nhạc FMF. Tống Hạo Nhiên cho biết: “Nhóm nhạc của tôi thời ấy rất nghèo, bởi hằng ngày 3 người bạn và tôi phải lo tiền hát, tiền tập, trang phục, dựng bài, hòa âm phối khí. Thời điểm ấy có nhiều nhóm nổi tiếng như 1088, AXN, Mây Trắng, Mắt Ngọc mà thù lao chúng tôi khi đi hát chỉ có 1 triệu chia cho 4 người. Nhóm hoạt động khoảng 3 tháng thì tan rã, do trưởng nhóm bỏ ngang ra nước ngoài. Ba người ở lại phải gánh thay số nợ mà nhóm đặt làm trang phục, thu  nhạc, dựng bài, vũ đạo mà lại không có ai gọi show”.

Năm 20 tuổi, Tống Hạo Nhiên trở thành kỹ thuật viên phòng thu của nhạc sĩ Yên Lam. Nơi đây giúp anh có cơ hội tiếp xúc với nghệ sĩ tên tuổi. Anh chỉnh nhạc, nhận bè, rap, sáng tác nhạc cho các ca sĩ. Sau 4 năm, phòng thu kiếm một ca sĩ để đào tạo, anh trở thành ca sĩ từ đó. Người thầy đầu tiên dạy anh về thanh nhạc là thầy Huỳnh Lợi. Thời điểm đó, anh chơi thân với ca sĩ Quách Thành Danh và anh ấy gợi ý về cái tên Tống Hạo Nhiên.

Tống Hạo Nhiên cho biết tên anh tuy không nổi tiếng nhưng thời điểm ra sản phẩm một số khán giả biết đến nghệ danh này. Mãi cho đến sau, anh muốn đổi tên nhưng khán giả vẫn quen gọi anh bằng tên cũ. Sau khi ra mắt album đầu tay chưa gây được nhiều ấn tượng, nhạc sĩ Yên Lam giới thiệu Tống Hạo Nhiên đi hát ở tỉnh.

Những ngày đi hát ở các tỉnh vùng xa, có những ngày khán giả đến điểm diễn quậy phá, sàm sỡ ca sĩ. “Từng trở thành ca sĩ hát lót nếu hát một bài thì khán giả còn nghe nhưng nếu tôi hát thêm, khán giả sẽ quá khích, chọi đá, dùng lời lẽ nặng nề xúc phạm. Thời ấy tôi thấy mình may mắn khi hát 1 đêm được 500 ngàn, nếu đi diễn được 20 ngày thì tôi sẽ được hát trong 2 ngày. Nhưng anh chị đi hát lót khác chỉ có 250 – 300 ngàn. Nếu đêm đó lên được sân khấu hát thì mới có tiền, còn nếu như cứ trang điểm mặc quần áo ngồi đợi thì chỉ được tiền cơm, chứ không đủ tiền lương”.

Tống Hạo Nhiên thời điểm mới vào nghề cũng gặp không ít cám dỗ nhưng anh có bản tính không thích va chạm nên tình trạng đó với anh cũng hạn chế. Anh buồn bã thừa nhận bản thân đã đi hát 7 năm và ra một số sản phẩm nhưng anh vẫn chưa định hướng được dòng nhạc theo đuổi và chưa có một sản phẩm để khán giả ghi dấu ấn.

 “Mẹ Kim Phương vẫn thường nhắc về cha”

Từ năm 4 tuổi, anh theo đoàn cải lương hát những vai con, đi theo mẹ hát có nhiều kỷ niệm. Năm lớp 6, ba mẹ anh ly dị, anh về ở với mẹ. Năm Tống Hạo Nhiên đang thi cùng mẹ ở một chương trình truyền hình thì hay tin ba mất. Anh chia sẻ ba anh rất hiền, anh ảnh hưởng tính hiền ít nói, đặc biệt giống cha khi có lúm đồng tiền trên gương mặt.

Đến thời điểm hiện tại, khi cha anh đã qua đời, hễ có dịp nghệ sĩ Kim Phương lại nhắc về người chồng quá cố. Cô đôi lúc cũng trách Hạo Nhiên vô tâm khi quá mải mê công việc. Tống Hạo Nhiên kể về mẹ với lời lẽ yêu thương: “Mẹ không bao giờ ngọt ngào, chỉ có chửi, mà chửi là bà còn thương. Trong các con mẹ thương tôi nhất bởi ba mẹ khi ly dị tôi ở với mẹ. Mẹ thích nhất là cảnh gia đình sum vầy, phòng thu của tôi ở sát nhà nên tôi hay về ăn cơm với mẹ. Khi nghe tin tôi tham gia Sao Nối Ngôi, mẹ lo lắng tập đến khuya mới về. Những vai diễn khó, tôi áp lực nhiều thứ, bởi nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của mẹ”.

Thi “Sao nối ngôi”, để khán giả biết tên, nhớ mặt

Tống Hạo Nhiên trở thành ca sĩ mà không được học qua trường lớp bài bản. Anh học luyện thanh từ những người thầy nên giọng hát của anh khá mộc mạc. Anh luôn biết khả năng của mình và tự nỗ lực cánh sinh. “Tâm lý người mẹ nào cũng muốn con được đầy đủ mà khi đã bước chân vào con đường nghệ thuật. Tôi từ nhỏ đã quen tính tự lập nên thường tự lo liệu cho các tiết mục tại Sao Nối Ngôi mà không tìm ê-kíp hỗ trợ. Tôi thường nghĩ ý tưởng bám sát chủ đề, thức tìm và làm nhạc để phối cho bài thi. Đêm nào cũng 4 – 5 giờ sáng mới làm xong nhạc. Sau đó tôi sẽ tự tập, phối nhạc với nhóm múa”.

Tống Hạo Nhiên mong những bài thi của mình được khán giả đón nhận, chỉ cần khán giả thích, nhớ được tên hay gương mặt của mình. “Quan trọng là tình cảm của khán giả. Điều mẹ tôi mong muốn nhất là tôi sống hạnh phúc, vui vẻ với nghề mình đã chọn, Tống Hạo Nhiên tâm sự.