Nữ sinh trường Nguyễn Thượng Hiền gây ấn tượng với GK Én Vàng Học Đường vì niềm tự hào “fast food” mang tên “Bánh mì” và xôi “made in Việt Nam”

Ở đề tài “fast food”, 6 thí sinh được chia thành 3 cặp: Băng Đăng và Anh Thức, Phương Anh và Mộng Như, Uyên Phương và Thùy Duyên. Trong mỗi cặp, 1 thí sinh đưa ra quan điểm và 1 thí sinh phản biện lại. Ban Giám khảo đánh giá kết quả dựa trên kỹ năng phản biện và bảo vệ quan điểm của từng thí sinh.

Là cặp thi đầu tiên, Anh Thức cho rằng bên cạnh những tiện lợi như nhanh – gọn – lẹ, thức ăn nhanh có tác hại đến sức khỏe của con người. Phản biện lại, Băng Đăng cho rằng đó là định kiến bởi “fast food” rất đa dạng, không chỉ có gà rán hay hamburgur mà còn có nước ép trái cây rất tốt cho sức khỏe, nên vấn đề nằm ở sự chọn lựa của con người. Phần thi này cả 2 thí sinh tranh luận khá vòng vo và trước sự quyết liệt của Băng Đăng, Anh Thức có phần lúng túng trong việc bảo vệ quan điểm của mình.

Cặp thi thứ hai là Mộng Như và Phương Anh. Cô nữ sinh từng gây ấn tượng với bài thuyết trình về “body shaming” Mộng Như có cái nhìn khắt khe với“fast food” khi khẳng định chúng chỉ tiện chứ không lợi. Quan điểm của Mộng Như không nhận được sự đồng tình từ Phương Anh và cả hai tranh luận khá sôi nổi không kém cặp thí sinh đầu tiên. Mộng Như khá quyết liệt trong việc bảo vệ quan điểm của mình, điều đó khiến cho cô bị căng thẳng. Phương Anh được giám khảo Phước Lập khen về tính hệ thống và cách tranh biện cởi mở hơn, đưa ra những câu hỏi thông minh và giúp cho Mộng Như hoàn thiện bài nói của mình. Giám khảo Trác Thúy Miêu góp ý Mộng Như khi đưa ra quan điểm cần có thêm những dẫn chứng để thuyết phục giám khảo.

Khác với 2 cặp đầu tiên, cô nữ sinh trường Nguyễn Thượng Hiền Tôn Nữ Uyên Phương tiếp cận đề tài “fast food” bằng chính món ăn nhanh của Việt Nam, từng được báo chí nước ngoài đánh giá là món ăn đường phố ngon nhất thế giới đó chính là bánh mì. Uyên Phương miêu tả sự hấp dẫn của món ăn này từ vỏ bánh đến nhân bánh khiến cho các giám khảo rất thích thú và…thèm thuồng. Ngoài bánh mì, Uyên Phương cũng đề cập đến món “fast food” thứ 2 của Việt Nam đó chính là xôi.

Thông điệp chính mà Uyên Phương muốn chuyển tải đó chính là Việt Nam có những món “fast food” ngon – bổ – rẻ mà các hãng nước ngoài khó làm được và cần quảng bá những món ăn này đến với bạn bè thế giới nhiều hơn. Trước bài nói khá ấn tượng của Uyên Phương, Thùy Duyên có phần lúng túng trong việc tìm ra “sơ hở” để tranh biện. Thùy Duyên đặt ra 2 câu hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và lấn chiếm lòng lề đường của các xe bánh mì. Tuy có phần yếu thế hẳn nhưng 2 vấn đề mà Thùy Duyên đặt ra được các giám khảo đánh giá cao. Giám khảo Vũ Thành Vinh khen Uyên Phương thông minh và tinh tế trong việc miêu tả thức ăn chạm đến xúc giác người xem. Dẫu vậy, Uyên Phương vẫn là thí sinh xuất sắc nhất trong đề tài “fast food”.

Đề tài thứ hai khá khó đối với các thí sinh nhỏ tuổi – những bạn trẻ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các thí sinh, Băng Đăng và Phương Anh là 2 thí sinh gây ấn tượng nhiều nhất ở đề tài này. Ngoài việc học, Băng Đăng còn là một diễn viên, đã tham gia nhiều bộ phim. Có lẽ điều đó khiến Băng Đăng có những quan điểm thực tế và sắc sảo về giá trị đồng tiền.

Tổng số điểm của 2 đêm thi, thí sinh Uyên Phương dẫn đầu với 69,5 điểm, kế đến là Băng Đăng (68,25 điểm), Phương Anh (67,25 điểm), Mộng Như (67 điểm), Anh Thức (65 điểm), Thùy Duyên (64,5 điểm). Là 2 thí sinh có số điểm thấp nhất, Anh Thức và Thùy Duyên phải chia tay chương trình. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi thí sinh Phương Anh xin BGK cho phép được dừng cuộc thi vì em phải lên đường du học. Với ưu tiên hàng đầu cho việc học của thí sinh, BGK đã đồng ý để Phương Anh dừng cuộc thi. Cơ hội đi tiếp được dành cho thí sinh Anh Thức.

Như vậy, 8 thí sinh còn lại của Én Vàng Học Đường là: Băng Đăng, Uyên Phương, Mộng Như, Anh Thức, Thảo Vy, Hương Giang, Minh Đức và Hoàng Ân. Chương trình do Đài Truyền hình TP.HCM và công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất