Tủ sách của bạn sẽ thật tươi mới với bìa sách Niên lịch miền gió cát

Năm 1990, Niên lịch miền gió cát cùng với Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring) của Rachel Carson đã được Hiệp hội Nghiên cứu Tự nhiên Mỹ bầu chọn là hai cuốn sách đáng trân trọng và đáng chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ 20.

Nếu như tác phẩm của Rachel Carson là một tác phẩm kinh điển khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, thì cuốn sách phi hư cấu viết về môi trường của Aldo Leopold, xuất bản lần đầu năm 1949, được xem như một cột mốc quan trọng trong phong trào bảo tồn tự nhiên ở Mỹ. Tuy ban đầu ít được chú ý đến, nhưng vào những năm 1970 với sự nâng cao nhận thức về môi trường, Niên lịch miền gió cát bất ngờ lại trở thành một cuốn sách bán chạy. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 14 thứ tiếng và vẫn được bán ra khoảng 40.000 bản một

năm.

Aldo Leopold (1887-1948) là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học, nhà môi trường học người Mỹ, và cũng từng là giáo sư tại Đại học Wisconsin. Tác phẩm Niên lịch miền gió cát của ông như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học, với kết cấu gồm ba phần: Phần I là những quan sát về sự thay đổi theo từng tháng của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin, phần II là ghi chép từ những hành trình khám phá đời sống hoang dã trải rộng khắp châu lục suốt 40 năm, và phần III trình bày những nhận định về một số vấn đề liên quan đến việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Những bài viết trong Niên lịch miền gió cát không chỉ khéo léo mô tả vẻ đẹp thiên nhiên, mối liên hệ giữa từng sinh vật với cả hệ sinh thái, thể hiện sự quan sát, khảo cứu và kiến văn của Leopold về địa chất – sinh thái, mà còn bộc lộ rõ quan điểm của ông về đạo đức đất đai: Một hành động là đúng đắn khi nó hướng tới việc bảo tồn được tính toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật. Hành động đó là sai nếu không bảo tồn được những điều vừa nói.

Khi viết ra các nhận định vào thời điểm những năm 1940, Aldo Leopold không hình dung được cuốn sách của mình sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Thế nhưng, cho đến nay, cuốn sách vẫn được ngày càng nhiều độc giả yêu thích, trở thành nguồn tư liệu quý giá, làm thay đổi phong trào môi trường và đóng vai trò nền tảng trong lĩnh vực chính sách, đạo đức và khoa học bảo tồn hiện đại.

Thông qua thể văn xuôi đậm chất hóm hỉnh kết hợp các yếu tố lịch sử, khoa học, Leopold đã mượn lời kêu gọi đạo đức đất đai của Niên lịch miền gió cát để truyền đạt mối liên hệ đích thực giữa con người với thế giới tự nhiên, cùng niềm hy vọng rằng mỗi độc giả sẽ bắt đầu đối đãi với đất đai bằng tình yêu và sự tôn trọng mà đất đai đáng được hưởng.

 

Một số nhận xét về sách

“Một trong những tác phẩm cực kỳ quan trọng và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào môi trường.”

(The Boston Globe)

“Cuốn sách có thể được đặt trên cùng kệ với các tác phẩm của Thoreau và John Muir.”

(The San Francisco Chronicle)