Câu Chuyện Cuộc Sống: Giá trị của sự cảm thông

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như giá trị của sự cảm thông, cố gắng hết mình trong công việc và sử dụng công nghệ hợp lý, hiệu quả. 

Giá trị của sự cảm thông

Để bù đắp lại khoảng thời gian bận rộn với công việc, anh Tuấn và chị Dung cùng lên lịch để đưa cả gia đình đi dã ngoại cuối tuần. Đến cuối tuần, anh Tuấn lại cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn ở nhà, dù có chút hụt hẫng nhưng chị Dung vẫn thông cảm cho chồng và vui vẻ ở nhà cùng gia đình.

Cảm thông không chỉ đơn giản là việc cảm nhận và chia sẻ cảm xúc của người khác, mà còn là khả năng đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được những khó khăn, nỗi niềm của họ. Cảm thông là sự tương tác tình cảm, một dạng giao tiếp phi ngôn ngữ mà chúng ta có thể hiểu và chia sẻ với nhau bằng cả hành động lẫn lời nói. Khi chúng ta hiểu được tâm trạng và cảm xúc của người khác, chúng ta có khả năng đồng hành và động viên họ vượt qua những thời điểm khó khăn, điều này tạo ra sự kết nối, khơi dậy tình yêu, lòng tử tế và sự tôn trọng đối với nhau.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết: “Lắng nghe là dấu hiệu đầu tiên của sự cảm thông, nếu chúng ta không thực sự lắng nghe người khác, đồng nghĩa với việc không thể cảm thông với họ được. Giá trị cảm thông cần được duy trì và nuôi dưỡng liên tục trong đời sống hằng ngày với tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống”.

Cố gắng hết mình trong công việc 

Luôn cảm thấy lo lắng vào mỗi tối chủ nhật vì ngày mai lại bắt đầu một tuần làm việc mới, luôn trì hoãn đi làm, đặc biệt vào sáng thứ hai hoặc điều đó xảy ra mỗi ngày, luôn cảm thấy chán nản và muốn trốn tránh công việc, đây là những biểu hiện của việc chưa cố gắng hết mình trong công việc, nếu có những biểu hiện trên, chúng ta nên nhìn nhận lại bản thân.

Từng nghĩ không phải công ty của mình nên dù làm ít hay làm nhiều cũng chỉ nhận về bấy nhiêu đó tiền lương, nên chị Dung (ngụ TP.HCM) từng không dành hết tâm huyết cho công việc tại thời điểm đó. “Thấy bạn bè đồng trang lứa với mình, họ cố gắng và phát triển để rồi được tăng lương, còn mình chỉ mãi giậm chân tại chỗ, may mắn là tôi kịp tự nhìn nhận bản thân, nhận ra và thay đổi nên cuộc sống đã tốt hơn nhiều”, chị Dung tâm sự.

Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình (Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) cho biết: “Hãy đặt ra mục tiêu và làm việc chăm chỉ, nỗ lực và biết nắm bắt cơ hội, cải thiện được hiệu suất và năng suất làm việc. Cố gắng hết mình trong công việc tạo điều kiện thuận lợi để được công nhận và có cơ hội được thăng tiến trong sự nghiệp, đây là điều cơ bản khi chúng ta tham gia vào thị trường lao động”.

Khi đặt 100% nỗ lực vào mọi việc mình làm, dù có thể không nhận được kết quả tốt nhất, thì chúng ta vẫn có thể hài lòng phần nào, vì mình đã thực sự cố gắng. Kết quả chỉ được tạo ra từ những hành động thiết thực, vì thế, không có cách nào khác ngoài hãy làm việc và nỗ lực hết mình.

Sử dụng công nghệ hợp lý, hiệu quả

Là một người rất đam mê thể thao, nhưng lịch làm việc lại quá bận rộn, chị Nguyễn Xuyến Chi (ngụ TP.HCM) đã tận dụng công nghệ vào việc tập luyện yoga, gym ngay tại nhà của mình. “Sau đợt dịch covid, mình đã tải những ứng dụng yoga, gym online để áp dụng tại nhà, trên nền tảng có những bài tập chi tiết, các bài tập cơ, có cả phần bấm giờ và nhạc nền để tự tập hiệu quả hơn”, chị Xuyến Chi chia sẻ.

Việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào cuộc sống hằng ngày đã mang lại nhiều tiện ích và thay đổi đáng kể cách sống, làm việc và giao tiếp. Không chỉ dừng lại ở việc giải trí, áp dụng công nghệ vào cuộc sống còn có khả năng liên kết các thành viên dù có ở xa đến đâu, ngoài ra việc phát triển AI từng ngày đã giúp công việc thường ngày trở nên tối ưu, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc lạm dụng nó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn như việc phụ thuộc, gia tăng cảm giác cô đơn, bị động và thiếu sự linh hoạt, nhạy bén khi dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội.

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa (thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Họ lạm dụng việc đưa mình vào thế giới ảo làm giảm tính xã hội của một con người đi xuống, nếu chúng ta sử dụng công nghệ trong việc học tập một cách quá phụ thuộc, những nền tảng cơ bản người học lại không tiếp thu vì công nghệ đã làm thay họ điều đó”.

Bản chất của công nghệ là để phục vụ các nhu cầu cho con người, nếu biết cách ứng dụng vào đời sống một cách thông mình, công nghệ sẽ trở thành một trợ thủ đắc lực cho con người, thay vì để bản thân bị công nghệ điều khiển, hãy ngồi lại vạch ra từng nhu cầu, mục tiêu mà bản thân muốn đạt được, tìm hiểu những loại hình công nghệ có thể hỗ trợ, đáp ứng tốt để hoàn thành nhu cầu đó.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.