Mãn nhãn với trích đoạn “Điểm một thời” của Sỹ Hoàng trong Quyền Lực Ghế Nóng

Đây là trích đoạn mang tên “Thời hoàng kim” nằm trong chương trình Điểm một thời của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Chương trình đã từng được trình diễn lần đầu tiên vào năm 2002, đến năm 2007 thì tạm ngưng hoạt động để đầu tư, năm 2014 khi Bảo tàng áo dài của NTK Sĩ Hoàng được khánh thành, chương trình đã tiếp tục được trình diễn và đã đón tiếp rất nhiều đoàn ngoại giao, khách quốc tế đến thưởng thức với mong muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Trong khuôn khổ thời gian có hạn của chương trình Quyền lực ghế nóng, các nghệ sĩ đã trình diễn lại trích đoạn “Thời hoàng kim”và chia trích đoạn làm 3 chương theo từng giai đoạn lịch sử. Nhiệm vụ của 3 thí sinh bảng Nam gồmThạc sĩ Trần Tuấn Đạt, giảng viên Quốc Việt và biên tập viên Minh Mẫn là đưa những quan điểm, góc nhìn của mình về tiết mục. Giám khảo của đêm thi là NSƯT Chí Trung cùng giám khảo khách mời là ca sĩ Phương Thanh.


Chương 1 “Thời hoàng kim” bắt đầu với những chiếc áo trắng tinh khôi, nguyên sơ đặc trưng của 3 miền đất nước, đó là áo tứ thân của miền Bắc, áo dài miền Trung và chiếc áo bà ba miền Nam, được các người mẫu “Điểm một thời” trình diễn trên nền nhạc Hò mái nhì – làn điệu dân ca đặc trưng của xứ Huế. Cùng với phần trình diễn thời trang là phần biểu diễn các nhạc cụ truyền thống. Đảm nhận vị trí kết nối và dẫn dắt câu chuyện cho tiết mục là nhà báo Trác Thúy Miêu. Với lối dẫn như kể chuyện, lúc thủ thỉ, nhẹ nhàng, lúc lại rộn ràng, hồ hởi, táo bạo, Trác Thúy Miêu đã làm cho không gian trình diễn trở nên gần gũi, sinh động. Chị bắt đầu tiết mục bằng cách kể về những ký ức tuổi thơ bình yên và dung dị, đã từng làm nên trí tưởng tượng đẹp đẽ trong mỗi con người,thế rồi theo thời gian mọi thứ dần trở nên thay đổi theo hướng thực dụng hơn, trí tưởng tượng ngày càng bị giết chết khi mà nhiều cô gái hiện đại thích khoe tối đa các đường cong cơ thể để phô diễn sự quyến rũ. Bằng sự táo bạo trong ngôn từ khi nói về nét đẹp trong trang phục của người đàn bà, Trác Thúy Miêu đã dẫn vào tiết mục hát xẩm với hình ảnh gã xẩm mù nơi góc chợ. Ca khúc Mục hạ vô nhân (Xẩm chợ) vốn quen thuộc với những người yêu văn hóa dân tộc được nghệ sĩ trong chương trình thể hiện trong không gian tĩnh lặng, với phần diễn xuất của cô gái trẻ trong trang phục áo yếm quần lụa trắng quyến rũ đã mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho khán giả.


Thí sinh Minh Mẫn thích thú: “Tiết mục đã mở màn như 1 món khai vị rất vừa, với những âm thanh mô phỏng đời thực, dẫn dắt vào cả bầu trời hoài niệm và ký ức. Tuy nhiên có một điều Minh Mẫn không thích lắm chính là 4 chiếc cột được dàn dựng trên sân khấu không “ăn” với phần diễn của tiết mục”. Thí sinh Tuấn Đạt nhận thấy 4 cái cột được thiết kế theo kiểu hiện đại là hợp lý với bài dẫn của MC Trác Thúy Miêu. Anh thích nhất là phần hát xẩm và phần dẫn dắt rất ấn tượng của MC Trác Thúy Miêu. Thí sinh Nguyễn Quốc Việt tỏ ra khá “nguy hiểm” khi khảo sát 2 thí sinh đến từ miền Nam là Minh Mẫn và Tuấn Đạt về cảm nhận sau khi nghe phần hát xẩm. Quốc Việt cho rằng nên chú ý đến nội dung những câu hát xẩm rất hay và đặc biệt đây là phần hát xẩm lạ nhất anh từng xem từ trước đến nay, có thể phần mở đầu này sẽ dẫn dắt những ý đồ của phần tiếp theo.

Nhận xét về 3 thí sinh, Phương Thanh chia sẻ: thí sinh Tuấn Đạt theo được cảm xúc, Minh Mẫn có thái độ không thích mãnh liệt, tuy nhiên Minh Mẫn nên chú tâm vào cảm xúc nghệ sĩ diễn hơn là chăm chăm để ý 4 cái cột, còn Nguyễn Quốc Việt đúng là thầy giáo biên kịch để ý đến lời bài hát sâu sắc và chờ xem phần sau thể hiện như thế nào.

MC Trác Thúy Miêu đã lý giải về phần mở đầu tiết mục đã sử dụng các công cụ của âm nhạc và nghệ thuật để thanh tẩy tai nghe của khán giả. Sau đó là phần thanh tẩy đôi mắt của khán giả với những bộ trang phục 3 miền trong sắc trắng, “chưa vội làm phiền mắt nhau” vì chúng ta đang phải sống trong thời đại mà quyền lực và thị giác dẫn dắt hàng đầu. Theo chị, thị giác cũng chính là giác quan lừa đảo, giống như muốn kết bạn facebook cũng phải xem mặt nhau thế nào.


Trong chương 2 của trích đoạn, khán giả đã được “làm phiền” thị giác cao độ với bức tranh cuộc sống đa sắc, rộn ràng âm thanh. Các nghệ sĩ đã tái hiện lại phiên chợ Âm phủ (hay còn gọi là phiên chợ Âm Dương) vốn có ở những vùng cao với không gian sôi nổi, hoạt náo, tiếng rao đường phố, những sửng bánh quê. Cũng trong không gian phiên chợ ấy là phần trình diễn bộ sưu tập các trang phục áo dài qua các thời kỳ từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 như: chiếc áo tứ thân nâu sồng, áo trường bối trách tụ, áo dài hoàng cung của Nam Phương Hoàng hậu, áo dài cách tân, áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài sặc sỡ họa tiết mang phong cách hippi của thập niên 70, áo dài nữ sinh… được thiết kế và may công phu.NSƯT Chí Trung, ca sĩ Phương Thanh, MC Đinh Tiến Dũng và các thí sinh đã lên sân khấu hòa mình vào phiên chợ để gặp gỡ, trò chuyện và thưởng thức những món ăn dân dã như bánh mì Sài Gòn, chè bà ba, khoai lang, khoai mì, chè xanh, cóc ổi mía ghim…

Thí sinh Tuấn Đạt thích thú với những món đồ ăn quà quê và anh ước có thêm món phá lấu, gỏi cuốn. Tuấn Đạt ấn tượng nhất với người mẫu có gương mặt rất giống Nam Phương hoàng hậu cả về ngoại hình lẫn thần thái. Thí sinh Quốc Việt vẫn thích cách dàn dựng sân khấu như ở Bảo tàng áo dài của Sĩ Hoàng khi người mẫu đi ra theo đường thẳng. Quốc Việt cho rằng phiên chợ Âm phủ được tái hiện trên sân khấu như trẩy hội mùa xuân không giống như tinh thần phiên chợ mà anh từng được đọc trước kia.
NSƯT Chí Trung nhận xét: “Đố các các bạn trong phiên chợ Âm dương vừa tái hiện thì ai là người âm và ai là người dương? Các bạn đừng phân định rạch ròi vì nghệ thuật không minh họa việc này vì cái giỏi của tác giả là ở trong không gian ma mị này để kể câu chuyện lịch sử áo dài đó là điều thông minh. Tôi đánh giá 3 bạn không cao lắm vì các bạn quên rằng ở ngữ cảnh này là truyền không gian đẹp của người xưa trên nền phiên chợ”. Ca sĩ Phương Thanh thì đánh giá cao thí sinh Tuấn Đạt đã xoáy vào được điều chương trình muốn tôn vinh, còn Quốc Việt và Minh Mẫn nói ra ngoài lề.

Chương 3 là phần kể chuyện bằng âm thanh của nghệ nhân trẻ Đào Tuấn Trường với màn trình diễn gõ đàn đá nguyên mẫu cổ vật. Kết hợp cùng âm thanh của đàn đá là các nhạc cụ truyền thống của dân tộc để trình diễn bộ sưu tập nguyên bản và phục chế trang phục của các dân tộc Việt Nam. Đây chính là những bộ trang phục được đích thân nhà thiết kế Sĩ Hoàng bỏ nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Điều đặc biệt, các người mẫu, diễn viên trong nhóm trình diễn được tuyển lựa hoàn toàn không dựa theo mỹ cảm đương thời về hình vóc người mẫu thời trang mà được chọn theo tiêu chuẩn hình thức giản dị, trung thực với hình thể sắc vóc của người Việt xưa và mỹ cảm của từng giai đoạn văn hoá.


Thí sinh Quốc Việt cảm động với việc lấy đàn đá để kết nối các dân tộc Việt Nam anh em bởi đàn đá không chỉ là niềm tự hào của người Tây Nguyên mà còn của cả đất nước, thể hiện sự kết nối âm – dương, quá khứ – hiện tại, con người – thần linh. Dưới sân khấu chính là những cánh hoa ban của núi rừng Tây Bắc kết hợp với âm vang của núi rừng Tây Nguyên. Thí sinh Minh Mẫn ước được xem tiết mục dài hơn vì tiết mục quá tuyệt vời, đặc biệt là sau khi trình diễn trang phục các dân tộc là 4 bộ trang phục của thời Văn Lang Âu Lạc bản sắc đầu tiên của dân tộc. Thí sinh Tuấn Đạt xúc động: “Đạt cảm thấy tiêu cực với bản thân vì là 1một giảng viên đại học từng đi đây đó nhiều nhưng khi nhìn lại không biết kể tên được bao nhiêu loại nhạc cụ, bộ trang phục của các dân tộc trên sân khấu. Văn hóa Việt Nam tươi đẹp lắm nên mỗi người có nhiệm vụ như một nhân viên của bảo tàng hoặc đại sứ văn hóa. Thế giới ngày càng phẳng hơn nên cái điều để chúng ta tự hào bước ra thế giới đó chính là văn hóa, chúng ta có thể đường đường chính chính đối thoại với tất cả các quốc gia, hãy là cá nhân có trách nhiệm. Hành động cụ thể của Đạt là sẽ tìm hiểu nhiều hơn và lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc”.

MC Trác Thúy Miêu đã dành 1 điểm cộng dành cho thí sinh Tuấn Đạt bởi anh có những lập luận thiên về lí trí nhưng lại có cảm xúc hồn nhiên, chủ quan và đặc biệt là nói được thông điệp của những người thực hiện chương trình “chúng ta có của lận lưng để đối thoại bình đẳng với thế giới”. Ca sĩ Phương Thanh khen thí sinh Tuấn Đạt mở được vấn đề, Minh Mẫn đã phát hiện ra việc trình diễn trang phục thời Văn Lang Âu Lạc là tri ân, còn Quốc Việt có thể đưa ra nhiều câu hỏi hóc búa nhưng chỉ ước lượng thôi chứ không phải bày ra hết. NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Tôi đánh giá cao ý kiến của Tuấn Đạt “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, tôi sẽ đến với Bảo tàng áo dài để thưởng thức tiết mục. Chúng ta hoàn toàn có thể bước ra thế giới cùng với các giá trị văn hóa. Chúng ta có lỗi khi không biết nâng niu, truyển tải và cảm ơn chương trình đã đánh thức những tiềm năng chúng ta có”.


Sau chương trình, thí sinh Tuấn Đạt đã đạt số điểm cao nhất đêm thi là 53 điểm, kế đến là thí sinh Quốc Việt đạt 52,5 điểm và thí sinh Minh Mẫn đạt 52 điểm.Tập 8 Quyền lực ghế nóng với chủ đề “Múa” với phần thi của bảng thí sinh Nữ (Diệu Anh, Mộng Tuyền, Tường Yên) sẽ phát sóng lúc 20h30 ngày 8/11 trên kênh VTV3.