Nhìn nhận sự sống còn trong một thế giới suy tàn với cuốn sách QUỐC GIA TÁI THIẾT

Con người hiện đang sở hữu nhiều công nghệ tối tân và có khả năng sống lâu hơn bao giờ hết. Chúng ta đã thừa kế di sản của hàng triệu năm tiến hóa, và đó là một phước lành vượt xa khả năng hiểu biết của chính chúng ta. Song, không ít nhà nghiên cứu cho rằng xã hội loài người đang bước vào thời kỳ suy giảm đáng báo động. Tình trạng dân nhập cư, người tị nạn, sự nghèo đói và bệnh tật gia tăng đã gây nên nỗi kinh hoàng khắp thế giới. Các chính phủ đã đối mặt với những vấn đề nan giải đó ra sao?

Trong tác phẩm Quốc gia tái thiết,  trưởng ban biên tập của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jonathan Tepperman đã nêu ra mười vấn đề khó khăn, tưởng như vô vọng, mà các quốc gia phải đối mặt, đồng thời giới thiệu mười giải pháp tiềm năng dựa trên những câu chuyện thành công từ các nhà lãnh đạo và chính phủ khác nhau trên thế giới.

 

10 vấn đề – giải pháp có thể được tóm tắt như sau:

  • Brazil: Giải pháp nâng đỡ người nghèo bằng cách chia sẻ lợi ích
  • Canada: Chính sách nhập cư và quá trình hội nhập Đại Bắc trắng dưới thời cựu thủ tướng Pierre Trudeau (cha đẻ của Thủ tướng đương nhiệm, Justin Trudeau).
  • Indonesia: Giải pháp xoá bỏ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan
  • Rwanda: Hoá giải mối hận thù từng gây nên cuộc diệt chủng kinh hoàng giữa tộc người Hutu và Tutsi.
  • Singapore: Xoá sổ nạn tham nhũng và giữ cho các nhà lãnh đạo quốc gia đi theo con đường chính trực.
  • Botswana: Hóa giải lời nguyền tài nguyên và giữ cho các mỏ kim cương không vấy máu.
  • Mỹ: Cách mạng năng lượng nhờ khai thác dầu từ đá phiến.
  • Hàn Quốc: Cuộc đột phá ngoạn mục sau chiến tranh và lý do kinh tế nước này vẫn tiếp tục tăng trưởng.
  • Mexico: Khơi thông bế tắc để hàn gắn sự chia rẽ giữa các đảng phái.
  • New York: Đối mặt với mối đe dọa khủng bố.

Tepperman đã cẩn thận chỉ ra rằng trọng tâm nghiên cứu của ông chính là cách các nhà lãnh đạo, chính phủ và các quốc gia giải quyết các vấn nạn, hay “khủng hoảng”. Chẳng hạn, ông chỉ ra rằng Mexico – dù đã có những bước tiến trong việc chấm dứt tình trạng bế tắc về lập pháp gây tê liệt chính phủ – vẫn lúng túng trong việc phản ứng với tình trạng bạo lực liên quan đến các băng đảng ma túy. Hoặc Singapore  – hiện nổi tiếng với chính phủ trong sạch – đôi khi có thể độc đoán một cách khó chịu. Hoặc cách cựu tổng thống Brazil Lula da Silva giải quyết tình trạng nghèo đói của đất nước – đồng thời vẫn đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.

Vậy khủng hoảng có phải luôn là điều cần thiết để giải quyết các bế tắc? Có thể không phải lúc nào cũng vậy, nhưng chắc chắn chúng là một tiền đề tốt, xét đến sự lộn xộn chúng ta thấy ngày nay. Không hề ngẫu nhiên khi phần lớn các câu chuyện trong sách đều tìm thấy “sự cứu rỗi” ngay khi các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ sống còn. Lý do cho điều này thật đơn giản: khủng hoảng giúp ta tập trung tâm trí. Chúng quét sạch các rào cản chính trị và thể chế vốn bình thường được cho là không thể, bởi vì chúng buộc mọi người liên quan phải chấp nhận rằng những cách làm cũ sẽ dẫn đến thảm họa.

Vì vậy, khủng hoảng là quan trọng, nhưng chúng không bao giờ là đủ. Rốt cuộc, các quốc gia và các tổ chức lớn khác phải đối mặt với khủng hoảng mọi lúc. Điều tách biệt tốt nhất của họ với phần còn lại là cách họ sử dụng chúng. Các nhà lãnh đạo trong Quốc gia tái thiết đều đủ thông minh để nhận ra rằng hoàn cảnh khắc nghiệt đã cho họ cơ hội để biến nghịch cảnh thành lợi thế bằng cách viết lại các quy tắc. Để cho rõ ràng: không ai trong số các nhà lãnh đạo này tạo ra các cuộc khủng hoảng. Nhưng tất cả đều có tầm nhìn để nhận ra sự tự do hiếm hoi mà hoàn cảnh đã cho họ và cả lòng can đảm để tận dụng nó.

Quốc gia tái thiết muốn chúng ta hiểu rằng “những cá nhân phù hợp có thể vượt qua những trở ngại đáng sợ nhất – nếu họ tuân thủ đúng chiến lược”. Tất cả mười chương sách đều nêu chi tiết về một nhà lãnh đạo cụ thể ở một quốc gia cụ thể, mà theo Tepperman chính là “minh chứng cho sức mạnh của những người dám nhận trách nhiệm và can đảm hoàn thành công việc”.