THANH BÙI LẦN ĐẦU TRẢI LÒNG VỀ KHÓ KHĂN KHI VIỆT HOÁ THẦN ĐỒNG ÂM NHẠC

Qua 5 số ra mắt, chương trình Thần đồng âm nhạc – Wonderkids tạo được sự hứng thú và chờ đợi cho nhiều khán giả bởi màu sắc riêng biệt của một chương trình âm nhạc nghệ thuật đỉnh cao.

 


 

Khó khăn khi Việt hóa chương trình âm nhạc cổ điển cho trẻ em được mua bản quyền từ Đan Mạch này là gì, thưa anh?

 

Xây dựng một chương trình có tư duy âm nhạc hoàn toàn mới như Thần đồng âm nhạc – Wonderkidstại Việt Nam thì khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, khó nhất là chúng tôi phải tìm được sáu thí sinh thực sự có tài năng. Thứ hai, là chúng tôi phải chọn và chuyển tải được những sản phẩm âm nhạc mang tính nghệ thuật đỉnh cao mà vẫn gần gũi với người Việt Nam mình. Điều này đòi hỏi chương trình phải được biên tập kỹ lưỡng về cả nội dung và hình thức thể hiện.

 

“Khó là thế, nhưng không có nghĩa là sẽ không làm được. Tôi có niềm tin khi quyết tâm xây dựng những giá trị riêng cho truyền hình Việt Nam.”

 

Một điều khó khăn nữa, chính là áp lực của các thí sinh khi phải học những tác phẩm khó trong thời gian ngắn. Cứ mỗi tuần, các bé phải hoàn thành một thử thách khác nhau mà chương trình đặt ra, trong đó, việc phải kết hợp ăn ý cùng band, cùng nghệ sĩ khách mời để biểu diễn những tác phẩm khó là điều vốn không dễ dàng ở lứa tuổi của các em.

 

Tên gọi “Thần đồng âm nhạc” của chương trình liệu có quá áp lực cho các thí sinh tham gia không, thưa anh?

 

Không! Tôi không nghĩ vậy. Thần đồng âm nhạc là cách dịch sát nghĩa nhất của từ Wonderkids mà thôi. Chương trình không chủ trương loại thí sinh qua các đêm diễn nên tôi không cho đây là một cuộc thi. Chúng tôi gọi đây là sân chơi để đào tạo ra những tài năng âm nhạc, thậm chí là thần đồng âm nhạc trong tương lai. Vì thế, tôi nghĩ áp lực lớn nhất không nằm ở chương trình mà chính là áp lực các em tự đặt ra với các em, đó là làm thế nào để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình sau cuộc chơi này.

 

 

Anh có áp lực khi thực hiện chương trình này không?

 

Tôi nghĩ trong cuộc sống, làm bất kỳ việc lớn nhỏ gì cũng đều cần có ‘áp lực’ để lấy đó làm ‘động lực’ thực hiện. Với Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids, tôi tự đặt áp lực với chính mình là làm thế nào để đưa chương trình vươn xa nhất có thể, đem âm nhạc cổ điển đến gần với khán giả nhất có thể. Tôi tin, với mục đích tôn vinh những tài năng thực sự và nói không với scandal, tôi sẽ làm được.

 

Một chương trình truyền hình muốn thu hút khán giả, ngoài yếu tố chất lượng vẫn luôn cần những chiêu trò. Với Thần đồng âm nhạc, anh thấy nên cần có chiêu trò hay không?

 

Tôi nghĩ “chiêu trò” lớn nhất ở chương trình này chính là tài năng của các em. Ở Thần đồng âm nhạc – Wonderkids, ban giám khảo chúng tôi muốn chấm điểm thấp hơn mà không thể thấp hơn được. Vì sao? Vì các em thật sự tài năng, ngay cả nghệ sĩ dương cầm quốc tế lừng danh Adam Gyorgy đến tham gia chương trình cũng bất ngờ và công nhận các tài năng Việt này.

 

Chính sự tài năng, cái hồn, cái chất và sự say đắm trong âm nhạc của các em đã khiến cho nghệ sĩ quốc tế Vanessa Võ nhận lời làm giám khảo khách mời cho Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids tập 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên chị ngồi ghế nóng trong một chương trình truyền hình tại Việt Nam. Những người làm chương trình chúng tôi thật sự cảm thấy rất vinh dự vì chị từng đoạt giải Emmy và liên tục được mời làm giám khảo giải Grammy, chị cũng là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên biểu diễn tại Nhà Trắng.

 

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự đồng hành của những người nghệ sĩ truyền cảm hứng như nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Tuyết Minh, Hiền Thục, Uyên Linh, Vũ Cát Tường…, cùng các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như Adam Gyorgy, Vanessa Võ… Tôi chỉ thích “chiêu trò chất lượng” như thế.

 

 

Chương trình Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids tôn vinh âm nhạc cổ điển trong khi thị hiếu của số đông là các dòng nhạc như pop hay bolero. Vì sao anh lại muốn đi qua “cửa hẹp” như vậy?

 

 

 

Đi qua cửa hẹp mới lên thiên đàng được! (cười to) Kinh thánh có nói “Ai muốn lên thiên đàng thì phải đi qua cửa hẹp”. Thiên đàng trong mơ ước của tôi hiện nay là Việt Nam sẽ đạt đến một nền tảng âm nhạc nghệ thuật bắt kịp với trình độ của thế giới.

 

Tôi đã may mắn lớn lên ở một đất nước văn minh và có cơ hội đi qua nhiều nước có nền tảng âm nhạc rất mạnh như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…, do đó tôi thấy được sự khác biệt giữa nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Trước khi muốn đưa các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, trước khi muốn tiếp cận với thế giới, chúng ta nên nhìn lại mình xem mình có đủ tư duy và đủ hiểu về nghệ thuật để sánh với người ta. Chỉ khi người Việt Nam mình tự nhận ra mình đang thiếu cốt lõi, nền tảng và những cái rất cơ bản thì mình mới hiểu các thế hệ trẻ hiện nay cần được giáo dục đúng đắn hơn về âm nhạc nghệ thuật để mình có thể tiếp cận thế giới và đưa ra những sản phẩm đại diện được cho nền văn hoá của mình.

 

Nên biết là toàn bộ các thể loại âm nhạc chúng ta có ngày hôm nay đều có gốc rễ từ nhạc cổ điển. Dù bạn chơi nhạc pop hay rock hay jazz, bạn cũng cần có nền tảng vững chắc, nghĩa là cần học hành bài bản, bắt đầu từ nhạc cổ điển, có như vậy bạn mới bay cao và bay xa. Hầu như tất cả các nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đều học qua nhạc cổ điển. Khi hiểu được điều đó, mọi người sẽ hiểu chúng ta cần mạnh dạn bước qua nhiều “cửa hẹp” như chương trình Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids để xây dựng được những giá trị cốt lõi về âm nhạc cho thế hệ trẻ, từ đó mở ra con đường phát triển mới cho nền âm nhạc Việt Nam.

 

 

Được biết anh đã vinh dự đại diện Việt Nam tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowship năm 2017. Việc anh đang chọn đi qua những “cửa hẹp” như Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids có phải xuất phát từ những cảm hứng và động lực anh nhận được từ Eisenhower Fellowship?

 

Đúng vậy! Trong hai tháng tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowship và đi qua gần 20 thành phố ở Mỹ, tôi đã có cơ hội kết nối với những nhà giáo dục hàng đầu về giáo dục tính sáng tạo và đến thăm nhiều trường học, những nơi đã đưa âm nhạc vào giáo trình giảng dạy như là môn học chính bắt buộc chứ không chỉ là môn phụ. Tôi được nghe họ chia sẻ về chính sách định hướng, cách đào tạo giáo viên… để tạo điều kiện cho trẻ học nhạc. Họ đúc kết rằng âm nhạc không chỉ để giải trí mà là phương pháp tuyệt vời giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về trí óc, kỹ năng lẫn tính cách cũng như hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như tự kỷ, trầm cảm…