Đây thật sự là thông tin gây bất ngờ lớn vì đã từ lâu, nhạc sĩ Trần Tiến lui về ở ẩn và cũng từ lâu, vị nhạc sĩ nổi tiếng khó tính không còn muốn tham gia các chương trình phát sóng trên truyền hình dù nhận được rất nhiều lời mời.
Nói về sự trở lại lần này để góp mặt trong chương trình Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids, nhạc sỹ Trần Tiến cho biết: “Đã từ lâu tôi không còn thiết tha gì tiền bạc, danh vọng. Bao nhiêu người mời bao nhiêu chương trình tôi đều từ chối. Thực tế hiện nay là thị trường hỗn loạn, đồng tiền nó lăn qua tàn phá hết những giá trị nghệ thuật. Nhưng Wonderkids có lẽ tính chất hoàn toàn khác, việc không loại thí sinh thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của trẻ và ý tưởng mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng thật sự rất tuyệt vời. Những chương trình giáo dục – giải trí như thế này là những chương trình cần thiết cho đời sống và tôi là người ủng hộ những gì đẹp đẽ về nghệ thuật nên tôi sẵn sàng tham gia chương trình”.
Tôi từng mở lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo
Tôi vốn yêu trẻ con và luôn muốn giúp các bạn trẻ có cơ hội học nhạc. Ca khúc Mặt trời bé con của tôi chính là hát về những đứa trẻ yêu nhạc đấy thôi. Tôi khó tính với nghệ thuật chứ không hề khó tính với trẻ con. Năm 1992, tôi từng đầu tư 1,2 tỷ đồng để mở lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn. Tôi duy trì lớp trong 7 năm và đã có 3 bạn trong số đó trở thành ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn. Tôi thấy với chương trình Wonderkids, trẻ sẽ có một quá trình rèn luyện thêm với các thầy cô kèm cặp qua từng show. Ngoài ra, giải thưởng cho các thí sinh tham gia chương trình đều là những khóa học và công cụ hỗ trợ cho quá trình theo đuổi con đường nghệ thuật của các em. Đó là điều rất ý nghĩa cho các em.
Tôi rất thích thông điệp về nhạc cổ điển mà chương trình muốn truyền tải đến công chúng. Ở đất nước nào mà nhạc cổ điển có thể đến được với mọi nhà thì đó là đất nước hạnh phúc. Một dân tộc yêu quý nhạc cổ điển là một dân tộc có văn hóa. Nhạc cổ điển, là bệ phóng để người ta có thể bay lên. Cần hiểu nhạc cổ điển là nền tảng cơ bản cũng như chúng ta học đánh vần a, b, c. Để biết đọc phải biết đánh vần. Để biết chơi các thể loại nhạc hiện đại, cần có vốn cổ điển tốt mới đi đường dài được.
Tất nhiên, không phải cứ học cổ điển thì sẽ thành tài. Nhiều người không có điều kiện học nhưng vẫn trở thành những vĩ nhân. Có học vẫn tốt hơn. Tôi cảm ơn những người thày đã dạy dỗ tôi nhạc cổ điển thật vững vàng, để từ đó tôi hiểu và làm được các thể loại âm nhạc hiện đại một cách căn bản và sâu sắc hơn.
Nhạc sĩ Trần Tiến và Thanh Bùi sẽ là hai giám khảo của Thần đồng âm nhạc. Phần thưởng chỉ tính riêng cho giải quán quân đã tương đương khoảng 65.000 đô-la Mỹ (khoảng 1,5 tỷ đồng), trong đó bao gồm: Một học bổng cho Chương trình mùa hè quốc tế tại trường Đại học Berklee, Hoa Kỳ; Một hợp đồng quản lý tài năng; Một music video cho sản phẩm âm nhạc đầu tay; Một bộ nhạc cụ cao cấp. Không chỉ dành riêng cho quán quân, tất cả 6 thí sinh tham gia tranh tài trong cuộc thi đều nhận được phần thưởng là những khóa học và công cụ hỗ trợ cho quá trình theo đuổi con đường nghệ thuật của các em.
Không thể vinh danh những ca sĩ không biết đọc nốt nhạc
Điều quan trọng nhất không phải là nhạc cổ điển hay không cổ điển mà là muốn làm nghề gì lâu dài thì phải có cơ bản. Muốn đánh võ giỏi thì phải học cơ bản, học nhiều thế võ của những trường phái khác nhau thì mới đánh nhau giỏi. Nghệ thuật cũng vậy, những kẻ nào có thể thắng lợi ngay thì sẽ chóng tàn, người ta gọi là bạo phát bạo tàn. Có những ca sĩ nổi tiếng và giàu có mà không đọc được nốt nhạc thì có thể còn bị.
những nhạc công nghèo, đệm đàn cho họ coi thường,vì dưới tầm họ. Ca, nhạc sỹ không có nền tảng âm nhạc cổ điển sẽ rất thiệt thòi. Việc học không quyết định tài năng và sự nổi tiếng của một con người nhưng lại giúp cho họ có nền tảng văn hóa. Văn hóa không chỉ để làm nghề mà còn để làm người sống có văn hóa. Nếu có văn hóa cơ bản thì tài năng sẽ phát triển gấp nhiều lần và bền lâu gấp nhiều lần.
Thiên An.