Tập 6 của Thần đồng âm nhạc – Wonderkids mang tên “Đêm nhạc huyền thoại Việt Nam”. Đêm thi đặc biệt này còn tạo ấn tượng bởi sự hội ngộ của Thanh Bùi – Hà Trần – Trần Tiến trong vai trò ban giám khảo.
Mở đầu đêm thi, giám khảo Trần Tiến nhấn mạnh người yêu nhạc không nên quan trọng thể loại nhạc gì mà chỉ nên chú trọng đến sự “hay, dở” vì “một bản giao hưởng tồi thì không thể ví với một câu hò hay”. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tính chất của chương trình Thần Đồng Âm Nhạc – Wonderkids là đại chúng hóa nhạc cổ điển trong sự giao thoa tinh tế với những thể loại nhạc khác và đặc biệt là tôn vinh những bản sắc Việt Nam.
Góp mặt với vai trò giám khảo khách mời, diva Hà Trần tung hứng rất ăn ý với “bố” Trần Tiến trong các phần nhận xét thí sinh. Đặc biệt, “bố con” nhà nghệ sĩ nổi tiếng còn chia sẻ bí quyết sáng tác một ca khúc hay. Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết đầu tiên ông thường bị đánh động bởi “một ý nghĩ hay một cảm xúc triết học” và “quan trọng là âm nhạc phải đến trước, gọi là mô-típ, từ mô-típ đó ra được câu nhạc đầu tiên”, ngoài ra ông cũng nhấn mạnh “lời và nhạc phải kết hôn được với nhau”.
Diva Hà Trần thì “bật mí” rằng: “Khi tôi bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên của mình, tôi thấy rằng đúng phải như thế thật. Nó có thể ngô nghê, chưa hay ngay… nhưng đầu tiên nó phải là tiếng thơ, tiếng nhạc của mình. Chắc rằng viết tới 100 bài thì sẽ có bài hay thôi.” Trong chương trình, ca sĩ Trần Thu Hà còn gửi đến khán giả một tình khúc đẹp, bằng giọng hát diva – Mùa hè đẹp nhất.
Trở lại chương trình, cô bé Lan Anh khiến cả ban giám khảo lẫn người xem ngưỡng mộ bởi “tinh thần Wonderkids”: dũng cảm và không bao giờ bỏ cuộc. Bài thi này đã được Lan Anh tập từ trước bằng cả hai tay nhưng vì gãy tay phải do tai nạn, “tiểu thư dương cầm” phải nhờ giảng viên Bích Trà hỗ trợ phần tay phải khi chơi bài Tự nguyện.
“Sau khi nghe Lan Anh nài nỉ tôi dạy con đánh đàn một tay, và nhờ tôi hỗ trợ giúp một phần tay phải bị đau, tôi lặng người đi… Con thật sự truyền cảm hứng cho tôi, tôi như con chim bồ câu chắp cánh bay lên trong bản nhạc này.” – giảng viên Bích Trà chia sẻ.
Nhạc sĩ Trần Tiến cảm thán: “Ông thấy, nên lấy lời bài hát con vừa chơi để dành tặng cho tinh thần này của con: Nếu là nghệ sĩ dương cầm, ta có thể chết bên đàn piano.”
Giám khảo Hà Trần bày tỏ sự cảm động khi nhìn thấy hình ảnh Lan Anh trên sân khấu và sự đồng điệu ‘như cùng một cơ thể’ của hai cô trò Bích Trà – Lan Anh trong bài thi này.
Tiết mục này của Lan Anh xuất sắc nhận được ba điểm 10 và một điểm 9,5 từ hội đồng giám khảo.
Đêm thi thứ 6 là lần đầu tiên cô bé hát một ca khúc bằng tiếng Việt – Sơn nữ ca. Giọng hát cao vút với những đoạn chuyển giọng hót như sơn ca, luyến láy… thật sự làm cho ban giám khảo bất ngờ trước sự trưởng thành vượt bậc của cô bé. Giảng viên thanh nhạc Triệu Yên không kềm được xúc động khi chia sẻ về những nỗ lực của Đan Vy: “Bài này bé thể hiện màu sắc bán cổ điển, giai điệu của bài hát nằm ở tầm quãng chuyển của giọng, cho nên việc kiểm soát vị trí âm thanh, rồi câu chữ biểu đạt mang văn hóa rất Việt Nam… là một thử thách lớn cho Vy. Cô rất cảm động với tuần làm việc vừa rồi với con. Thật sự là mỗi lần thấy con trăn trở sau mỗi tiết mục của mình, rồi con tiếp tục cố gắng, đó là một động lực rất lớn cho cô. Và hôm nay, con đã chiến thắng thử thách của mình.”
Diva Hà Trần đánh giá cao bản lĩnh cùng sự hồn nhiên trong giọng hát của Đan Vy. Nữ giám khảo cho rằng nếu nhỏ lại bằng tuổi Đan Vy thì cô bé chính là thần tượng mà diva muốn vươn tới và học hỏi. “Những kỹ thuật em hát trong bài này là quá khó. Nhưng em đã hát bài này rất duyên dáng, theo một phiên bản rất riêng của Đan Vy, không lẫn với một người nào trước đây đã từng trình bày ca khúc này.” – ca sĩ Trần Thu Hà nhận xét.
Trong đêm thi này, cô bé Vân Anh gửi đến khán giả bài múa mang màu sắc dân gian đương đại của nhạc sĩ Trần Tiến, cũng là một tác phẩm mà diva Hà Trần từng thể hiện rất thành công: Ra ngõ tụng kinh.
Sau tiết mục, “kẹo dẻo lém lỉnh” còn bất ngờ kể lại ‘sự tích’ tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Tiến viết nên ca khúc này. Trước sự hồn nhiên của Vân Anh, nhạc sĩ Trần Tiến đã ngẫu hứng hát lại vài câu và beatbox tặng khán giả.
Là người am hiểu nghệ thuật múa, giám khảo Tuyết Minh luôn ấn tượng đặc biệt với phần trình diễn của Vân Anh: “Khi múa ở dưới đất, con kiểm soát được trọng tâm, độ xé xoạc của con đã khó rồi. Bay trên không và tìm được điểm tựa trên không thì cô nghĩ rằng là kỹ thuật rất khó, xin chúc mừng con về phần trình diễn này.”
Trả lời câu hỏi của giám khảo Trần Thu Hà về động tác bay trên không, Vân Anh khẳng định: “Con chỉ thấy rất rất rất rất thích chứ con không thấy sợ!” Đây cũng chính là một trong những tinh thần “rất Wonderkids” của cô bé: Tự tin và không biết sợ.
“Quý ông tăng động” Đăng Duy: Sâu lắng với Sonata Ánh trăng và Diễm xưa!
Lần đầu tiên, “quý ông tăng động” Đăng Duy tỏ ra trầm lắng, nhập tâm vào từng cảm xúc khi dạo đàn chơi liên khúc Sonata Ánh trăng và Diễm xưa. MC Ái Phương gọi vui đây là “tiết mục đầy tính chất bạo lực” vì “giết chết thầy Thanh Bùi” và “đốn tim giám khảo Tuyết Minh”. Đây cũng là bài hát mà mẹ của Đăng Duy rất yêu thích, gắn với kỷ niệm và ước mơ được làm ca sĩ dang dở của chị ngày xưa.
Biên đạo múa Tuyết Minh tỏ ra cực kỳ khâm phục phần phối khí, dàn dựng và viết lại hai ca khúc này cho phần thể hiện của Đăng Duy: “Tôi thật sự bị đốn tim hoàn toàn vì những nốt nhạc của Sonata Ánh trăng lại có thể đệm, đệm liên tục để bắt đầu cho giai điệu của Diễm xưa mà thật ngọt.” Nữ giám khảo cho rằng, khi văn hóa đông tây gặp nhau thì kỹ thuật không quan trọng nữa, bởi tinh thần bài hát đã đi vào nhân văn, tình yêu, sự chia sẻ, lắng nghe giữa con người với con người.
Giám khảo Thanh Bùi chia sẻ lần đầu nghe ca khúc Diễm xưa là năm anh 11 – 12 tuổi, khi ở Úc, do đêm nào mẹ anh cũng hát… karaoke. “Con thật sự giết thầy rồi. Thầy không hiểu sao một cậu bé tuổi rất trẻ như con mà có thể thể hiện được chiều sâu, chiều lặng, nhất là vì con nổi tiếng là một đứa trẻ “tăng động” nữa. ”
Thầy trò Jonny – Hoàng Bảo đốt lửa trại trên sân khấu
Cặp thầy Tây – trò Việt Jonny và Hoàng Bảo đã có màn song tấu độc đáo ca khúc Tuổi đời mênh mông theo phong cách acoustic fingerstyle. Tiết mục tái hiện không gian tuổi hoa của bao thế hệ học trò với những hoạt động ca hát, lửa trại trên sân khấu Thần đồng âm nhạc – Wonderkids.
Nhạc sĩ Trần Tiến bày tỏ sự ngạc nhiên không ngừng mỗi khi đến với chương trình, bởi sự sáng tạo và dàn dựng chỉn chu trong từng chi tiết. “Người đội mũ” cũng thật thà chia sẻ rằng kỹ thuật fingerstyle mà Hoàng Bảo thể hiện là ngón đàn mà nhạc sĩ “đang tập mà chưa được”. Giám khảo Tuyết Minh lại đặc biệt ấn tượng với kỹ thuật đập thùng, gõ thùng của Hoàng Bảo.
Nghệ sĩ Thanh Bùi thắc mắc tại sao thầy giáo nước ngoài Jonny lại có thể thả hồn vào một bản nhạc Việt Nam như thế, và hỏi vui ai là thầy của ai. Rất hồn nhiên, Hoàng Bảo chia sẻ rằng ai cũng là “thầy” của nhau.
“Hiệp sĩ vĩ cầm” Vũ An: Tiếng đàn da diết một cách thật thà
Cùng bố và anh trai gửi lời cám ơn đến sự hy sinh của mẹ dành cho gia đình, Vũ An đã thể hiện nhạc phẩm Mẹ yêu con tràn ngập cảm xúc. Trên khán đài, mẹ Vũ An xúc động rơi nước mắt khi nghe tiếng đàn của con.
Giám khảo Trần Tiến khen ngợi: “Đây là kỹ thuật legato, miết dây phải đẹp như giọng người đàn bà đang ru con. Phải tài năng lắm mới làm được. Cháu đã làm việc này rất tốt.”
Giám khảo Thanh Bùi thì đặt mình vào vai trò của mẹ Vũ An: “Nếu thầy là mẹ con thì thầy sẽ muốn con xuống khỏi sân khấu để mà hôn con. Tiếng đàn của con rất da diết” Hoàn toàn đồng ý, diva Hà Trần gật gù đánh giá tiếng đàn “da diết một cách thật thà.”
Biên đạo múa Tuyết Minh còn bày tỏ sự xúc động trước hình ảnh cậu bé kéo đàn trong chiếc nón lá quê hương như người mẹ, như quê hương bảo bọc con suốt cuộc đời khiến chị thấy yêu mẹ mình hơn và yêu quê hương hơn.
Tập 6 của Thần đồng âm nhạc – Wonderkids
Tập 7 của Thần đồng âm nhạc – Wonderkids mang chủ đề “Âm nhạc cổ điển và âm nhạc điện tử” sẽ được phát sóng lúc 20g Chủ nhật, ngày 17/09/2017.