Tác giả Đặng Chương Ngạn trình làng tác phẩm “Chiếc Vòng Cổ Màu Xanh”

Đặng Chương Ngạn là kỹ sư; bút danh khác: Đặng Trung Nhân, từng đoạt giải thưởng cuộc thi viết cho nhi đồng của Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng năm 1985-1987; giải thưởng cuộc thi truyện châm biếm của Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983 với bút danh Đặng Hồng; giải thưởng Văn học – Nghệ thuật 5 năm Bà Rịa – Vũng Tàu (2009-2014) với tiểu thuyết “Kẻ chăn dắt”. Sách đã in: “Trái đất này có rất nhiều chuyện lạ” (NXB Kim Đồng, 1989 – in chung), “Nghệ sĩ dế” (NXB Thanh Hóa, 1993), “Thiếu nữ xa lạ” (tập truyện ngắn – NXB Văn học, 1996), “Kẻ chăn dắt” (tiểu thuyết – NXB Văn học, 2012).

Ai đã từng khóc khi đọc những bài viết về chú chó Hachiko hơn 9 năm đợi người chủ quá cố ở sân ga? Ai đã xúc động khi đọc bài diễn văn hay nhất trong suốt 1000 năm qua của luật sư George Graham Vest trong phiên toà xử người hàng xóm làm chết con chó? Ai đã bật cười với sự hồn nhiên, đáng yêu, láu lỉnh của các chú cún trong những clip các bạn trong Hội yêu chó mèo thường xuyên chia sẻ? Ai đã từng yêu quý và nuôi một con hay một đàn cún? Ai đang mơ ước nuôi một chú cún của riêng mình? Và ai là những người đã từng mất đi người bạn nhỏ?… Bạn chắc hẳn sẽ yêu cuốn sách này. Có thể bạn sẽ khóc nữa. Dù bạn mới lên bảy, lên mười hay đã ngoài 50, tóc đã điểm nhiều sợi bạc, những ai đã từng… có một tuổi thơ. Cuốn sách được viết ra từ nỗi đau, từ sự mất mát của người trong cuộc. Mất đi một con chó nhỏ không chỉ đơn thuần mất đi một thú cưng, mà đang mất đi một người bạn, một đứa con của cả một gia đình. Khi bạn là bố mẹ, bạn bối rối không biết phải nói gì trước những câu hỏi, trước nỗi đau, trước những giọt nước mắt để an ủi các con mình. Khi chính bạn cũng đang tan nát, cũng đang đau, đang khóc, đang cấu cào, bấu víu vào những hy vọng mỏng manh nhất?

Bạn sẽ tìm thấy và nhận ra rất nhiều cảm xúc ẩn sâu trong trái tim. Bạn sẽ hồi hộp dõi theo hành trình của Kẹo. Sẽ bước vào một thế giới sinh động như Alice bước vào “Thế giới trong chiếc gương soi”. Bạn sẽ lắng nghe, sẽ bước đi, sẽ trò chuyện, sẽ chứng kiến, sẽ suy nghĩ, sẽ cảm nhận, sẽ sống trong một thế giới đa dạng và đáng yêu này. Bạn sẽ phiêu lưu, hy vọng, nỗ lực cùng với Kẹo trong hành trình tìm đường trở về. Sẽ xót xa cho những mảnh đời dù có bị bạc đãi thế nào cũng vẫn trung thành với chủ. Chấp nhận những trận đòn, lùng sục kiếm mồi, nhận lại vài mẩu xương, thường trực với những cơn đói xiêu vẹo, đối mặt với những trò lừa gạt, độc ác, vô ơn, tráo trở của con người… Trong nhiều khoảnh khắc, bạn sẽ quên đi hiện tại, sẽ hạnh phúc, mừng vui, đau đớn, xót thương như đang sống, đang có mặt trong một thế giới loài chó nhưng thấm đẫm tình cảm, trung thực, chuộng nghĩa này. Khi viết, hẳn tác giả cũng đang như bạn. Ông khóc cười theo từng nhân vật, dò dẫm theo từng đường đi của nó.

Gấp cuốn sách lại, đọc đến trang cuối cùng, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra hai mắt mình đang ướt. Không phải do bụi đâu. Do trái tim tràn đầy yêu thương của bạn đấy.

Và xin tặng bạn những đoạn viết rất hay, để yêu hơn những chú chó, người bạn nhỏ rất mực trung thành, chuộng nghĩa, cao thượng này.

“Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va đập với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn đó, chú chó trung thành với tình yêu nhất mực nó dành cho ta. Nếu chẳng may số phận hắt ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì chú chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù…

Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta – chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã chết đi rồi”, George Graham Vest.

"Chiec vong co mau xanh" ra mat va giao luu voi tac gia