Trong khi loạt tác phẩm hoạt hình Hollywood thường gây dấu ấn với các miêu tả sống động về nền văn minh trong tương lai thì thể loại phim này của Nhật Bản lại hay giúp người xem có cái nhìn mới về những sự kiện trong quá khứ điển hình như Grave of the fireflies (1988) của Isao Takahata xoay quanh về thế hệ trẻ em giữa Chiến tranh thế giới thứ 2, The Wind rises (2013) của Hayao Miyazaki dựa trên cuộc đời nhà thiết kế máy bay chiến đấu Mitsubishi A5M và gần đây nhất là This corner of the world (tựa Việt: Góc khuất của thế giới) khai thác về cuộc sống người dân từ vụ đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima do Sunao Katabuchi làm đạo diễn
Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Fumiyo Kono, Góc khuất của thế giới là một câu chuyện đầy nhân văn về chiến tranh, một đề tài không mới nhưng luôn gợi lại nhiều cảm xúc cho bất kỳ ai. Ngoài ra, khác với cách tập trung vào thực tế khốc liệt, đau thương hay những mảng tối thời chiến, tác phẩm lại nhấn mạnh về những giá trị đẹp vẫn tỏa sáng ngay trong khói lửa, đạn dược.
Trong phim, Suzu là nhân vật chính, là nhân tố giúp khán giả hiểu hơn về đất nước con người xứ hoa anh đào trong thời chiến. Suzu từ một cô gái trẻ trong sáng và giỏi vẽ tranh tại thị trấn Eba đến người phụ nữ có gia đình mạnh mẽ ở Kure, là biểu tượng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của con người giữa thời hoạn nạn. Không bị tê liệt trước cái chết, sự tàn phá, chẳng riêng Suzu mà người dân Kure, vẫn phải kiên cường sống và làm việc chăm chỉ sẽ vẫn tiếp tục đứng vững, vượt qua mất mát để hồi phục.
Tuy là tác phẩm hư cấu, nhưng Góc khuất của thế giới lại sử dụng bối cảnh dựa trên các sự kiện có thật. Chính vì thế mà các cảnh quan và chi tiết nhỏ trong phim cũng được đạo diễn Sunao Katabuchi tái hiện một cách chân thật nhất có thể. Hình ảnh thành phố Hiroshima trước và sau khi hứng trọn quả bom nguyên tử đều được khắc họa chính xác dựa trên ảnh chụp cũ và ký ức của người dân sống ở nơi đây. Và với việc đưa ra góc nhìn trực diện từ một người trải qua cuộc sống thanh bình của nước Nhật thời tiền chiến cho đến khi chiến tranh ập đến cũng như khai thác về xung đột bạo lực khốc liệt bằng những mảng màu sáng của tình yêu thương nhân loại, triết lý nhưng không nặng nề, sâu sắc nhưng dễ cảm, tác phẩm đã được tôn vinh là Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm tại Oscar Nhật Bản – Giải thưởng Viện hàn lâm Nhật Bản 2017.
Nói về “đứa con tinh thần” của mình, đạo diễn Sunao Katabuchi cho rằng đây là lời nhắn nhủ đến tất cả những ai đang sống trên hành tinh này. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ thêm về tác phẩm: “Có người sẽ nghĩ đây là một bộ phim giáo dục, cổ động tình yêu nước, nhận thức về chiến tranh được chiếu tại các trường tiểu học nhưng điều đó hoàn toàn không phải. Tôi khai thác hoàn cảnh khốn khổ để thấy rằng trong đau thương, mất mát, Suzu và những người dân vẫn tìm ra một góc khuất bé nhỏ với những điều đẹp đẽ của riêng mình”.
Góc khuất của thế giới chính thức khởi chiếu từ ngày 18.8.