“Phù thủy trumpet” Cường Vũ là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên giành được 2 giải Grammy cùng nhóm nhạc jazz Pat Metheny Group với “Album nhạc jazz đương đại xuất sắc nhất”. Sang Mỹ định cư từ năm 5 tuổi, anh vừa về nước lần đầu tiên sau 43 năm xa quê hương để tham gia một số hoạt động âm nhạc. Với cảm xúc tìm về cội nguồn, ông đã gửi đến khán giả Việt Nam nhiều chia sẻ chân tình.
Cùng với nhóm nhạc jazz Pat Metheny Group, ông đã hai lần vinh dự nhận được giải Grammy, cảm giác của ông khi đó thế nào? Ông có nghĩ giải thưởng và sự nổi tiếng có thể là một rào cản đối với người nghệ sĩ?
Có được giải thưởng dĩ nhiên là điều vinh dự, nhưng với tôi, cảm xúc đó thoáng qua rất nhanh và tôi thật sự không nghĩ nhiều về nó. Điều tôi trân trọng nhất là khi có ai đó nói với tôi rằng, họ đã rút ra được điều gì đó từ âm nhạc của tôi hoặc tôi đã làm thay đổi suy nghĩ của họ, có ảnh hưởng sâu sắc đến họ.
Nghệ sĩ kèn trumpet Cường Vũ. |
Giải thưởng và sự nổi tiếng sẽ trở thành rào cản nếu bạn cứ nghĩ về nó. Tôi làm việc vì một động cơ mạnh mẽ hơn, đó là cảm giác của chính tôi. Tôi tìm tòi sáng tạo để thỏa mãn sự tò mò của mình và những giá trị mình định ra cho sự tuyệt hảo. Tôi cố gắng làm ra những sản phẩm khiến tôi cảm thấy tự hào và nếu sản phẩm đó được mọi người đón nhận thì giải thưởng có thể đến. Quan trọng, tôi hài lòng với những gì mình đã làm được, điều đó mạnh mẽ hơn bất cứ giải thưởng nào.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn của mình trên con đường đi đến thành công?
Nếu thành công xét theo nghĩa thị trường hoặc đạt giải thưởng thì đó chưa bao giờ là điều tôi quan tâm. Với tôi, thành công là hoàn thành sứ mạng nghệ sĩ, trở thành người nghệ sĩ giỏi nhất mà mình có thể đạt tới. Giỏi nhất không có nghĩa là giỏi hơn những người khác mà trở thành một nguyên bản độc đáo có thể đóng góp vào quá trình đổi mới và phát triển của lĩnh vực nghệ thuật mình theo đuổi.
Nghệ sĩ Cường Vũ biểu diễn. |
Nói về thành công theo nghĩa đó thì khó khăn là tự khám phá bản thân, là có thể trung thực với niềm đam mê của mình, trung thực với những gì mình cho là đúng và theo đuổi nó một cách nhiệt thành, không ngừng làm việc và nỗ lực để vươn tới phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu nhạc Jazz ở Đại học Washington, ông phân bổ thời gian thế nào cho công việc, cho đam mê và cho gia đình?
Công việc ở đại học Washington bao gồm 30% dành cho việc giảng dạy, 30% làm các công việc của trường và 40% nghiên cứu. Mỗi ngày, tôi dành ra ít nhất 3 giờ để tập luyện và nghiên cứu, bao gồm cả nghe nhạc và viết nhạc. Mỗi tuần tôi vào trường 3 ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu để dạy học trong khoảng 5 giờ.
Thời gian còn lại tôi dành cho gia đình, đặc biệt là luôn sẵn sàng chăm lo con gái nhỏ 6 tuổi và đảm bảo rằng con không bao giờ cảm thấy mình ở vai trò thứ yếu so với mọi việc khác của tôi. Ngoài ra tôi còn dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đi mua sắm…
Nghĩa là ông dành ưu tiên số 1 cho con gái?
Vợ tôi là nghệ sĩ piano. Chúng tôi chung sống đã 23 năm, nhưng cả hai đều mải lo sự nghiệp nên không nghĩ đến chuyện có con. Vì vậy, chúng tôi có con khá muộn. Trước đây, toàn bộ cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh âm nhạc và vợ tôi. Giờ thì chúng tôi sống vì con gái, thật khó để giữ cân bằng và xác định lại ưu tiên.
Với tôi bây giờ, quan trọng nhất là việc nuôi dạy con gái, dành cho con thật nhiều tình yêu và những cơ hội, giúp con tự tin và xây dựng được những phẩm chất tốt. Gia đình chúng tôi thích ở bên nhau, cùng ăn những món ngon và cùng tận hưởng tất cả những gì con thích làm.
Con tôi cũng có gene nghệ thuật như ba mẹ, lại sinh vào tháng 8 nên thuộc cung Sư Tử, bé thích được chú ý và sẵn sàng ngẫu hứng trình diễn cho ba mẹ xem vào những buổi tối gia đình quây quần bên nhau. Vợ tôi cũng dạy con chơi piano. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời mà chúng tôi mong chờ mỗi ngày. Vào cuối tuần, chúng tôi thường đưa con đi thăm bà và dì để họ cũng có được những niềm vui với bé như chúng tôi.
Đây là lần đầu tiên ông về Việt Nam sau 43 năm định cư ở Mỹ. Vì sao lâu như vậy ông mới trở về?
Mãi đến 10 năm trở lại đây, vợ tôi thường nói “Anh không muốn về Việt Nam sao?” khiến tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi là nghệ sĩ, phần lớn những nơi tôi đến đều do tôi được mời biểu diễn. Thế nên, tôi nghĩ có lẽ một ngày nào đó mình sẽ có dịp về Việt Nam để nhìn lại nơi nguồn cội, để hiểu mình là ai… Và điều đó đã đến cùng với lời mời của Thanh Bùi và Michael Choi (chuyên gia sản xuất âm nhạc của chương trình “Thần đồng âm nhạc”).
Nghệ sĩ Cường Vũ ngồi ghế nóng cùng nhạc sĩ Thanh Bùi và Trần Tiến. |
Họ muốn tôi về Việt Nam để tham gia buổi nói chuyện về hành trình sáng tạo trong âm nhạc tại Soul Live Project và làm giám khảo khách mời trong đêm thi chủ đề nhạc jazz của chương trình “Thần đồng âm nhạc”. Với tôi, việc truyền cảm hứng cho các bạn trẻ luôn thú vị và đầy hào hứng.