Đêm thi thứ 6 với chủ đề “Tình nghệ sĩ”. Cha con nghệ sĩ Nguyễn Sanh – Trịnh Tuấn Vỹ đã mang đến một tiết mục kịch cảm động mang tên “Tình cha”. Nội dung vở kịch xoay quanh tên trộm Đợi (Trịnh Tuấn Vỹ) một hôm lẻn vào trộm ngôi nhà của một ông cụ (nghệ sĩ Nguyễn Sanh) có đứa con trai mất sớm để ăn trộm.
Trong khoảnh khắc phải tiết lộ về thân phận, Trịnh Tuấn Vỹ nghẹn ngào hát ca khúc “Tình cha” (Ngọc Sơn sáng tác) trước mặt cha mình. Hai cha con nghệ sĩ Nguyễn Sanh không giấu được những giọt nước mắt cảm xúc trong suốt tiết mục.
Sau tiết mục thi, nghệ sĩ Nguyễn Sanh chia sẻ trong quá khứ ông từng rất giận đến nỗi muốn “từ mặt” con, nhưng vì thương con trai, ông buộc “đứt ruột” có những hành động cương quyết để giành giật lại cuộc đời Trịnh Tuấn Vỹ, trong thời điểm anh bị ma túy “đày đọa” thân xác. Nghệ sĩ Nguyễn Sanh tiết lộ, ông từng sai lầm khi chỉ biết lo làm kiếm tiền và nghĩ rằng đó là phương tiện để gia đình ông hạnh phúc.
Nghệ sĩ Nguyễn Sanh sau một thời gian dài trở lại sân khấu, khi đóng kịch cùng con trai đã diễn tả thành công quá trình chuyển biến tâm lý nhân vật. Từ sự háo hức, hạnh phúc khi gặp đứa con, cảm động khi nghe con trai thổ lộ tình cảm, đến cảm giác hụt hẫng, tuyệt vọng khi anh phát hiện đứa con là giả mạo.
Khi nghe cha thổ lộ, Trịnh Tuấn Vỹ đã ôm cha và khóc trên sân khấu. Anh cũng cho biết, sau 20 năm, anh mới được ôm cha một cách tự nhiên đến vậy.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ cô được chứng kiến sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ Nguyễn Sanh và dành lời khen cho tiết mục kịch hiện đại mang “ánh sáng phía cuối đường hầm” cho những con người đang lầm lỡ. Giám khảo Thanh Kim Huệ cũng nhận xét kịch bản hay, có cao trào cùng với sự diễn xuất thần của Trịnh Tuấn Vỹ. Tuy nhiên, danh ca Thái Châu khuyên Trịnh Tuấn Vỹ nên tập hát nhiều hơn.
Với diễn xuất đột phá, kịch tính tạo cảm xúc khán giả, Trịnh Tuấn Vỹ nhận được những đánh giá tích cực từ ban giám khảo và tổng số điểm là 47,4, đứng thứ ba trong đêm.
Sau nhiều năm, “Đời cô Lựu” vẫn là vở diễn luôn được nhiều nghệ sĩ và khán giả cải lương yêu thích. Gia Bảo đã “dám” thử sức ở một vở diễn từng được nhiều nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương Việt Nam thủ diễn.
Gia Bảo vào vai Võ Minh Thành sau 19 năm bị đày biệt xứ, trở về quê nhà tìm vợ con. Phân cảnh đoàn tụ của hai cha con Võ Minh Thành và Võ Minh Luân (ca sĩ Quốc Đại) cùng bà hai Hương (NSƯT Quỳnh Hương) nhận được những lời khen của giám khảo.
Gia Bảo hát cải lương, diễn đúng tâm lý nhân vật, hòa quyện với bạn diễn, từ câu thoại, động tác. Ca sĩ Quốc Đại được tạo hình giống NSƯT Minh Vương khoe giọng hát cải lương trầm ấm. NSƯT Quỳnh Hương cũng đã nỗ lực hết mình với vai diễn mang đến những cung bậc tình cảm cho khán giả.
Sau tiết mục, giám khảo Bạch Tuyết chia sẻ cô thấy vui và thanh thản khi được xem tác phẩm kinh điển của soạn giả Trần Hữu Trang được cháu tổ tông của đoàn Thanh Nga – là một nghệ sĩ trẻ ở lĩnh vực hài đóng cùng ca sĩ nổi tiếng và NSƯT Quỳnh Hương. Tiết mục được đánh giá sẽ là điểm son trong đời diễn viên của nam thí sinh.
Danh ca Thái Châu đã bật hát vọng cổ: “Mỗi lần nghe Gia Bảo hát vọng cổ thì ông đây có phần hồi hộp” để nói lên cảm xúc của anh. NSƯT Thanh Nam cho rằng đã có nhiều đàn anh thể hiện vai diễn thành công. Anh không diễn được vai Võ Minh Luân giống Gia Bảo bởi anh chuyên đảm nhận những vai hài, không diễn được vai “mùi”.
Trước lời đó, giám khảo Bạch Tuyết cho rằng nam nghệ sĩ khiêm tốn bởi anh sẽ có cách để khiến khán giả khóc và cười với nhân vật. Giám khảo Thanh Kim Huệ dành nhiều lời khen về đài từ phát âm của thí sinh và ngưỡng mộ sự may mắn của Gia Bảo khi sống trong hai ánh hào quang sân khấu là NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc.
Với tiết mục thi xuất sắc, sự can đảm chọn một tiết mục khó, Gia Bảo đã giành được tổng số điểm là 49,1, cao nhất trong đêm và giải thưởng của tuần 6.
Lê Nguyễn Trường Giang đã thoát khỏi hình ảnh quen thuộc của một nghệ sĩ cải lương tuồng cổ trong ca cảnh cải lương “Phận tơ tằm”. Cái tình của ca sĩ sân khấu và đường phố, sự yêu quý, cảm phục dành cho những nghệ sĩ mưu sinh nguy hiểm được anh lột tả trong tiết mục.
Kể câu chuyện một nhóm biểu diễn ảo thuật đường phố với những màn trình diễn nguy hiểm như đưa thanh sắt vào mũi, nuốt rắn, nhai bóng đèn, Lê Nguyễn Trường Giang đều tự mình thực hiện khiến nhiều khán giả hồi hộp và thương cảm.
Hồng Phượng trong vai cô ca sĩ nổi tiếng khi thấy nhóm hát bị dè bĩu, bắt nạt đã đứng ra can ngăn, bảo vệ. Cô và Lê Nguyễn Trường Giang thể hiện sự đồng cảm qua bài hát tân cổ Phận tơ tằm cùng thông điệp: “Dù đứng hát ở đâu, chỉ cần có khán giả thì nơi đó chính là thánh đường của người nghệ sĩ”.
Giám khảo ghi nhận tình cảm của Lê Nguyễn Trường Giang trước cuộc sống, khát vọng với nghề nghiệp. NSND Bạch Tuyết đánh giá cao sự thông minh của Lê Nguyễn Trường Giang nhưng cho rằng tiết mục của anh như “món ăn không đủ gia vị”. Dù có ý tưởng tốt nhưng kịch bản không sâu, “nửa chừng”, không đẩy xúc cảm khán giả lên cao trào.
NSƯT Thanh Nam khen ngợi Lê Nguyễn Trường Giang dù tuổi đời còn trẻ mà đã viết những tiểu phẩm, trích đoạn cải lương tâm huyết. Giám khảo Thanh Kim Huệ cũng cho rằng Trường Giang hát chưa được trọn vẹn. Với những nhận xét góp ý, Lê Nguyễn Trường Giang đã nhận về số điểm 46,5, đứng thứ 4 trong đêm.
Lương Bằng Quang cảm phục nghị lực của những thầy giáo khiếm thị, xót xa khi hằng ngày các anh ngoài việc dạy đàn còn phải đi mát-xa, hát ở các quán nhậu, quán ăn để mưu sinh và lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ. Lương Bằng Quang đã mời những nghệ sĩ khiếm thị này lên sân khấu Sao Nối Ngôi cùng tham gia biểu diễn sáng tác mới nhất của anh mang tên “Bài hát cuối”.
Tiết mục bắt đầu khi Lương Bằng Quang giới thiệu 3 nghệ sĩ khiếm thị Văn Phong, Bình An, Hữu Ái. Anh đeo kính đen, chìm vào không gian âm nhạc cùng người khiếm thị để chơi nhạc bằng xúc giác, thính giác.
Lương Bằng Quang thể hiện một không gian âm nhạc không khoảng cách. Các nhạc cụ guitar, đàn kéo, cùng Midi controller hiện đại được sử dụng trong phần trình diễn. Ánh sáng sân khấu hiện đại, đẹp mắt cũng được anh tận dụng để tăng thêm phần hoành tráng trong tiết mục.
Trước ý tưởng đầy tình người, danh ca Thái Châu khen ngợi tiết mục ý nghĩa, ca khúc với ca từ đẹp, phần hòa âm phù hợp. Anh tiếc Lương Bằng Quang không tạo sự tương tác khi để các nhạc công tham gia hát cùng thay vì chỉ chơi đàn. Giám khảo Bạch Tuyết nhận xét Lương Bằng Quang đã mang tấm lòng người nghệ sĩ trẻ để biểu diễn cùng các thầy khiếm thị.
Tổng số điểm mà Lương Bằng Quang nhận được là 49 điểm, đứng thứ hai trong đêm thi.
Mai Xuân Thy cùng nghệ sĩ Hoàng Hải và Lê Như đưa khán giả đến với ca cảnh Tình nghệ sĩ khi khắc họa hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ luôn đùm bọc nhau dù khó khăn, bệnh tật.
Nội dung tiết mục kể về một nhóm hát, trong đó có một cô gái (Mai Xuân Thy) dù mắc bệnh ung thư nhưng luôn lạc quan, nghị lực với cuộc sống. Thương hoàn cảnh của Mai Xuân Thy, Hoàng Hải và Lê Như đã tạo điều kiện để người bạn mình được hát. Ở phần kết tiết mục, cả ba đã cùng hát với nhau bài hát “Hồn quê” trên sân khấu.
Mai Xuân Thy cũng khéo léo khoe giọng hát cải lương ngọt ngào khi lồng ghép phần hát cải lương Tâm sự Mai Đình trong tiết mục.
Với việc cố gắng vượt bệnh tật để có mặt trên sân khấu, danh ca Thái Châu gửi lời chúc sức khỏe đến cho Mai Xuân Thy và khen về khả năng hát cổ nhạc của cô. Tuy nhiên NSND Bạch Tuyết cho rằng kịch bản của tiết mục không làm Mai Xuân Thy tỏa sáng, cô mong nữ thí sinh có một kịch bản đặc sắc hơn. NSƯT Thanh Nam trân trọng nỗ lực của Mai Xuân Thy, dù bệnh tật nhưng vẫn đứng trên sân khấu hoàn thành nhiệm vụ của một thí sinh. Anh khen bài Văn Thiên Tường, nữ thí sinh hát rất hay.
Nếu cô hát bình tĩnh hơn thì tiết mục có thể sẽ lấy nước mắt khán giả. Nam giám khảo mong muốn đêm thi sau Mai Xuân Thy sẽ tìm được một kịch bản cải lương hay hơn, những bài hát phù hợp với chất giọng của mình.
Số điểm cô nhận được là 45,7, đứng thứ 5 trong đêm.
Đêm thi thứ 7 với chủ đề “Hoán đổi” sẽ phát sóng vào lúc 21 giờ thứ năm ngày 6/7/2017 trên kênh THVL1.