Nữ sinh lớp 10 Giang Thị Mộng Như kêu gọi cộng đồng ngưng miệt thị cơ thể
“Body shaming” hay còn gọi là miệt thị ngoại hình bằng ngôn ngữ khiến người khác bị tổn thương là một hành động đáng lên án, bởi hành động đó đã khiến không ít bạn trẻ rơi vào trầm cảm, tự kỷ, thậm chí dẫn đến tự tử. Hành động này được ví như giết người bằng lời nói. Từng là một nạn nhân của “body shaming”, cô nữ sinh 16 tuổi Giang Thị Mộng Như đến từ trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) đã chọn chủ đề này cho phần ra mắt của mình trong tập 2 của Én Vàng học đường.
|
Từ khi còn nhỏ, Mộng Như đã bị bạn bè châm chọc về làn da rám nắng, vóc dáng nhỏ bé. Qua tìm hiểu, Mộng Như cho biết những nạn nhân của “body shaming” như mình hay dành nhiều thời gian để soi mói khuyết điểm bản thân, tự tách biệt, mặc cảm và nếu như không suy nghĩ sáng suốt thì sẽ đưa mình vào ngõ cụt.
Cô nữ sinh lớp 10 kêu gọi cộng đồng hãy ngừng việc nói hay viết những lời chê bai người khác trên mạng xã hội, hay cho rằng đó chỉ là những lời đùa vui hàng ngày, bởi nó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Cô gái trẻ cũng gửi lời nhắn dến những nạn nhân của “body shaming” đừng để những để những lời nói miệt thị quyết định cuộc sống mình mà hãy thoát ra khỏi điều đó để có cuộc sống tự tin hơn. Mộng Như giơ cao hashtag “Stop! Body Shaming” để truyền tải thông điệp: người văn minh hãy nói không với “body shaming”.
|
Trước phần phản biện với ban giám khảo, Mộng Như đã chọn đồng minh của mình là Liêu Hà Trinh bởi nữ giám khảo đã từng đưa ra quan điểm: “Tôi không ngán những lời chê bai, chỉ sợ bản thân mình ù lì không vì tương lai mà cố gắng”. Giám khảo Phương Uyên yêu cầu Mộng Như đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Mộng Như cho rằng các nạn nhân “body shaming” hãy chấp khuyết điểm của bản thân và thay đổi thành thái độ sống tích cực.
Đồng tình với Mộng Như, giám khảo Kiều Ngân và Liêu Hà Trinh đã tranh thủ “nói xấu” giám khảo Tùng Leo với ước mơ giảm cân mà không làm được, nhưng anh vẫn đắt show làm MC, ra mắt sách và trở thành một tấm gương không hề bị gục ngã bởi “body shaming”.
Với chủ đề ấn tượng, bài hùng biện thuyết phục, phong cách diễn đạt tự tin và cá tính, Mộng Như đã xuất sắc giành số điểm cao nhất đêm thi là 36,5 điểm.
Phần thi của thí sinh Mộng Như:
Du học sinh Phạm Hoàng Ân phản đối trí tuệ nhân tạo vì sợ con người bị tiêu diệt
Phạm Hoàng Ân sinh năm 2000 tại TP.HCM, vừa tốt nghiệp trường THPT Long Thới, được xét tuyển thẳng vào trường đại học Y Dược TP.HCM, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đại học Sài Gòn và nhận được học bổng của trường SP Jain school of Global Management (Singapore). Hoàng Ân tham gia Én Vàng học đường trong lúc đang chuẩn bị nhập học tại Singapore.
|
Với phương châm đam mê, thấu hiểu và mạnh mẽ để mang đến những đáp án mở cho những câu hỏi mở, Hoàng Ân đã đưa ra câu hỏi: Công nghệ liệu có mang đến hạnh phúc cho con người?. Lấy cảm hứng từ hiện tượng robot Sophia ra mắt vào ngày 19/4/2015 với 62 biểu cảm gương mặt cùng kho kiến thức siêu việt, Hoàng Ân phản đối trí tuệ nhân tạo bởi những chú robot mang trí tuệ nhân tạo sẽ khiến con người rơi vào cảnh thất nghiệp, không quý trọng thành quả lao động, không cạnh tranh, phát triển và có thể con người sẽ bị diệt vong.
Hoàng Ân cho rằng con người có xu hướng tạo ra những thứ mang lại lợi ích cho cá nhân mình trước sau đó mới đi giải quyết những hậu quả mà chúng gây ra. Trong khi các nhà khoa học quan tâm làm sao để tạo ra và sử dụng trí tuệ nhân tạo, Hoàng Ân cho rằng con người phải trả lời được câu hỏi làm sao sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hợp lý và không để chúng kiểm soát cuộc sống.
|
Trước khi phản biện với các giám khảo, Hoàng Ân đã chọn giám khảo Liêu Hà Trinh làm người bảo vệ mình. Liêu Hà Trinh cho biết cô cùng quan điểm với Hoàng Ân bởi robot có bộ não bằng hàng triệu nhà bác học cộng lại thì con người không thể so sánh được.
Giám khảo Phương Hiếu nhận xét Hoàng Ân chọn vấn đề lớn hơn lứa tuổi của mình và cái nhìn phiến diện về xu hướng phát triển. Hoàng Ân đã phản biện rằng vấn đề phát triển của thế giới không ai có thể ngăn cản, nhưng con người phải kiểm soát và đánh giá rủi ro. Hoàng Ân đã lấy dẫn chứng từ cuộc cách mạng công nghiệp 1, 2, 3 đã tạo ra nhiều kết quả nhưng không lường được hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Giám khảo Liêu Hà Trinh bảo vệ Hoàng Ân đã mang đến một chủ đề hấp dẫn, tầm nhìn và đưa ra được ranh giới để con người cân bằng, tin robot nhưng đừng tin quá, sáng tạo thôi đừng sáng tạo quá! Hoàng Ân nhận được số điểm 36 cho phần thi của mình.
Phần thi của thí sinh Hoàng Ân:
“Soái ca học đường” Dương Anh Thức kêu gọi cộng đồng làm thiện nguyện từ tâm
Từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện nên thí sinh Dương Anh Thức với biệt danh “soái ca học đường” đã chọn chủ đề này cho đêm thi ra mắt. Với góc nhìn của một người trẻ, Anh Thức nhận thấy việc tham gia các hoạt động thiện nguyện rất ý nghĩa, tuy nhiên có một số người với hành động còn mang nặng tính lợi ích cá nhân nên đã làm mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có của hoạt động này.
|
Chính vì vậy Anh Thức mong rằng các bạn trẻ khi làm thiện nguyện hãy đặt tấm lòng, công sức và nhiệt huyết của mình vào, chứ không phải là để check-in facebook, để đánh bóng cho hồ sơ cá nhân, không phải đến Giờ trái đất mới tắt điện, kêu gọi bảo vệ môi trường mới cho rác vào thùng… Chốt lại bài hùng biện của mình, Anh Thức kêu gọi: “Ngay bây giờ, các bạn hãy bỏ điện thoại xuống, cầm cây chổi lên để dọn căn phòng của mình, mỗi giờ trôi qua là 1 Giờ trái đất, mỗi việc chúng ta bỏ rác vào thùng là tôn trọng và bảo vệ trái đất, chính ý thức của chúng ta là chiến dịch vĩ đại của nhân loại”.
|
Anh Thức đã chọn giám khảo Phương Hiếu đồng hành cùng mình trước phần phản biện của các giám khảo còn lại. Giám khảo Phương Hiếu đã bảo vệ rằng vấn đề Anh Thức muốn nói ở đây là ý thức từ những điều nhỏ nhất trong gia đình, bởi gia đình chính là tế bào của xã hội, từ đó lan tỏa ra hình thành một xã hội văn minh.
Giám khảo Phương Uyên: “Mục đích đầu tiên của các bạn trẻ không phải là mục đích thiện nguyện, nhưng không phải các bạn không có đóng góp. Em quá khắt khe với việc các bạn muốn có lợi ích bản thân khi làm thiện nguyện”. Giám khảo Phương Hiếu cho rằng các bạn trẻ tham gia tình nguyện với mục đích cá nhân nhưng khi tham gia đã mang đến lợi ích cho cộng đồng, hy vọng rằng những chiến dịch đó sẽ biến họ từ cái tôi cá nhân thành cái tôi của cộng đồng… Số điểm Anh Thức nhận được là 34,75.
Phần thi của thí sinh Anh Thức:
Cô cán bộ Đoàn Tôn Nữ Uyên Phương kêu gọi mọi người ngưng định kiến
Cô gái có rất nhiều thành tích học tập và lãnh đạo Đoàn hội Tôn Nữ Uyên Phương đã mang đến đêm thi bài hùng biện về Định kiến. Uyên Phương dẫn chứng từ câu chuyện của mình với ước mơ trở thành phóng viên đã bị mọi người ngăn cản vì định kiến ngoại hình nhỏ không làm phóng viên được, thành tích học tập bình thường không thi đậu…
|
Uyên Phương cho biết những định kiến mọi người áp vào người khác, bắt họ phải đeo “mặt nạ” và càng nhiều định kiến thì mặt nạ càng dày, mặc cảm, tự tin, mất luôn bản sắc, thậm chí là giết luôn ước mơ mới chớm nở. Cô gái trẻ cho rằng mọi người hãy cố gắng “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, đặt mình vào nhiều góc để nhận định vấn đề, kiên nhẫn và mở lòng mình để thấu hiểu ai đó trước khi phát biểu về họ.
Uyên Phương cũng khuyên những nạn nhân đừng để định kiến cúp đi nguồn sáng hay giết chết bạn. Với cách phân tích vấn đề, dẫn chứng thuyết phục và giọng nói truyền cảm, Uyên Phương đã tạo ấn tượng mạnh với ban giám khảo.
|
Uyên Phương đã chọn giám khảo Kiều Ngân để bảo vệ mình trước lập luận của các giám khảo khác. Giám khảo Phương Hiếu khó tính: “Cách nói của em rất dễ thương, nhưng để nói trên sóng truyền hình và nhiều người có thể cảm nhận được thì có vẻ như em đang phiến diện. Người ta có quyền phát ngôn, việc mình nghe và người ta nói hoàn toàn khác nhau”. Giám khảo Liêu Hà Trinh cho rằng Uyên Phương đưa ra quan điểm định kiến là chiếc mặt nạ ngăn người ta sống tích cực, đó cũng chính là định kiến. Giám khảo Kiều Ngân đã khuyên Uyên Phương hãy xoáy sâu vấn đề của mình vào văn hóa chỉ trích, chê bai sẽ hợp lý hơn. Số điểm Uyên Phương nhận được là 35,5.
Phần thi của thí sinh Uyên Phương:
Nữ sinh giỏi Văn đến từ mảnh đất “sen hồng” Tường Vi và bí quyết vượt qua nỗi sợ bản thân
Cô nữ sinh đến từ Đồng Tháp Nguyễn Tường Vi là học sinh nằm trong top 0,71% học sinh toàn quốc có số điểm ngữ Văn trên 8 điểm trong kỳ thi THPT cấp quốc gia 2018 (số điểm Tường Vi đạt được là 8,5 điểm)… Chọn chủ đề vượt qua nỗi sợ và đánh thức năng lực bản thân, Tường Vi đã dẫn chứng câu chuyện của nữ vận động viên Amy Purdy từng trải qua những ca đại phẫu cưa 2 chân và chỉ có 2% cơ hội sống sót nhưng cuối cùng bằng nghị lực, cô đã vươn lên trở thành 1 diễn viên, người mẫu, vũ công và vận động viên trượt tuyết đẳng cấp thế giới.
|
Tường Vi cho rằng nếu các bạn trẻ cứ sợ hãi thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm quý giá của tuổi trẻ. Bản thân Tường Vi cũng từng có rất nhiều nỗi sợ như vậy, nhưng hiện tại em đã vượt qua để tự tin hơn. Bí quyết của Tường Vi là nhìn nhận ưu và nhược điểm của mình, lắng nghe những lời nói tiêu cực bằng thái độ tích cực, bắt đầu từ những bước nhỏ nhất để chinh phục chính bản thân mình.
Tường Vi lựa chọn người bạn đồng hành là giám khảo Phương Uyên. Giám khảo Liêu Hà Trinh phản biện: “Em nói đừng sợ hãi, nhưng nếu như không có sợ hãi mà cứ nhảy qua các tòa nhà cao tầng và đã có rất nhiều bạn trẻ tử nạn. Nỗi sợ đó có giá trị không?”. Tường Vi cho biết vấn đề em nói là nỗi sợ tinh thần ngăn cản thực hiện ước mơ, bản thân phải xác định được nỗi sợ trước những nguy hiểm.
Giám khảo Kiều Ngân thừa nhận dù đã lớn nhưng cô vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ ngủ một mình trong phòng tối và hứa sau bài thi này sẽ khắc phục ngay. Giám khảo Phương Hiếu hỏi khó Tường Vi có đánh đồng việc sợ với không dám làm bởi có nhiều điều không sợ nhưng không dám làm như… hôn Liêu Hà Trinh chẳng hạn. Tường Vi đã khẳng định cách nhìn của mình là nỗi sợ là khi không dám làm điều đó. Số điểm của Tường Vi là 33,75.
Phần thi của thí sinh Tường Vi:
Nữ sinh Đà Lạt – Hoài An vượt sướng khẳng định bản thân
Nguyễn Thị Hoài An sinh ra trong gia đình khá giả tại Đà Lạt, may mắn có cuộc sống màu hồng, sung sướng và được cưng chiều nhưng Hoài An luôn nỗ lực hết mình để vượt sướng, khẳng định khả năng của bản thân trong học tập cũng như cuộc sống. Hoài An ra mắt chương trình với chủ đề khủng hoảng ước mơ mà chính bản thân mình và những bạn ở độ tuổi mới lớn hay mắc phải.
|
Cô gái Đà Lạt cho biết bản thân có rất nhiều ước mơ như trở thành Hoa hậu, ca sĩ nổi tiếng, làm công chức kiểu mẫu như cha, hay trở thành doanh nhân thành đạt như anh trai… Mỗi người trong gia đình Hoài An cũng có những ước mơ và kỳ vọng khác nhau ở em, nhưng rồi chẳng có ước mơ nào Hoài An thực hiện được. Cuối cùng, chính Hoài An đã tự quyết định chọn cho mình ước mơ trở thành người dẫn chương trình và bắt tay vào thực hiện từ cuộc thi Én Vàng học đường 2018.
Từ bài học khủng hoảng ước mơ của mình, Hoài An đưa ra lời khuyên cho các bạn cách xác định ước mơ của mình phải đạt 3 tiêu chí phù hợp với những cơ hội đang có, phù hợp với khả năng, thỏa mãn kỳ vọng của bản thân cũng như người xung quanh. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải sống tinh khôn, tinh tế và tỉnh táo.
Phần thi của thí sinh Hoài An:
Hoài An lựa chọn giám khảo Phương Uyên đồng hành cùng mình. Giám khảo Phương Hiếu cho rằng có nhiều ước mơ phải chăng là mơ mộng hão huyền. Hoài An khẳng định hãy mơ thật nhiều nhưng phải biết chắt lọc. Số điểm của Hoài An là 33,5.
Tập 3 của Én Vàng học đường sẽ phát sóng vào lúc 20h45 thứ Sáu tuần sau trên kênh HTV9 với 6 thí sinh còn lại.