Kể từ sau Em là bà nội của anh chiến thắng giòn giã với doanh thu chung cuộc 102 tỉ, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử cùng những dư âm khen ngợi lâu dài thì gần như không có một tác phẩm nào đủ để khán giả tin rằng có thể soán ngôi hay thậm chí là một “người kế vị” xứng đáng. Thực tế đã chứng minh cả một năm 2016 với rất nhiều phim Việt ra rạp nhưng quả ngọt mang về cực kì hiếm hoi.
Hai bộ phim có doanh thu cao nhất năm ngoái là Nắng (gần 70 tỉ) và Tấm Cám – Chuyện chưa kể (gần 65 tỉ) đều không thể thỏa mãn yêu cầu về chuyên môn như Em là bà nội của anh. Chưa kể đến những màn thua cuộc trong ngỡ ngàng của những dự án đầu tư trên 20 tỉ, đầy những ngôi sao phòng vé, đạo diễn tên tuổi như Truy sát, Fan cuồng, Vệ sĩ Sài Gòn đã khiến thị trường phim Việt trở thành một dấu hỏi lớn với khán giả lẫn các nhà đầu tư.
Từ chỗ hào hứng và đầy hy vọng về một nền điện ảnh Việt phát triển rực rỡ, khán giả có cảm giác hụt hẫng trước nhịp độ bất ổn định của phim nội, cũng như sự tấn công ngày một mạnh hơn của phim ngoại. Và rồi trong lúc dường như mọi hy vọng đều ở thế bị kiềm hãm, không có một động lực đủ mạnh để khiến người ta tin tưởng thì Em chưa 18 xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của tất cả.
Lần lượt từng kỉ lục được lập ra cho một phim xuất phát trong sự dè chừng, nào là doanh thu suất chiếu sớm cao nhất, thu 100 tỉ nhanh nhất, phim Việt có doanh thu cao nhất, phim Việt có doanh thu trong một ngày cao nhất, và hiện tại đã vượt luôn Kong: Skull Island để trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Việt Nam với 169 tỉ và sẽ còn thêm nữa. Đã có rất nhiều bài phân tích về lý do tại sao Em chưa 18 lại thành công nhanh và mạnh như vậy. Về kịch bản, diễn viên hay sự tài tình trong cách kể chuyện, nói chung hầu hết đều xoay quanh những giá trị nội tại của bộ phim. Nhưng, các nguyên nhân khác cũng cực kì quan trọng.
Tất nhiên, không phải khán giả Việt không nhận ra tác dụng của các yếu tố ngoại cảnh như truyền thông, truyền miệng đối với một bộ phim. Người ta vẫn ra rả những nhận định như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh hay Tấm Cám chiến thắng là nhờ độ phủ trong công chúng. Không sai! Nhưng thành công vượt bậc của Em chưa 18 (cách Em là bà nội của anh đến 67 tỉ) không chỉ bởi vì bộ phim được truyền miệng quá nhiều hay đơn thuần là thắng lợi về mặt truyền thông. Vậy, con số 169 tỉ kia là từ cái gì mà thành? Đã đến lúc khán giả, những người vốn chỉ quan tâm chất lượng phim, nhận ra tầm quan trọng của hệ thống rạp chiếu cũng như “điểm rơi” của một phim trên thị trường.
Bài toán quan trọng mang tên rạp chiếu
Buộc phải thừa nhận Em chưa 18 có một chiến lược về suất chiếu vô cùng linh hoạt dựa trên sự tính toán và kinh nghiệm về tần suất xếp suất chiếu ở các cụm rạp Việt Nam. Phim ra mắt chính thức ngày 28/4, nhưng được khởi chiếu sớm trong ba ngày 21, 22 và 23/4. Đây là một bước đi quan trọng và khôn khéo vì tuần đó không có phim lớn nào ra rạp, Fast and Furious 8thì vừa chiếu được một tuần, nhiệt cũng giảm bớt. Vào 3 ngày cuối tuần chiếu sớm, vì hiệu ứng quá tốt mà khán giả càng thêm trông đợi đến ngày công chiếu và BÙM! Phim “ăn trọn” dịp lễ lớn với 4 ngày nghỉ dài.
Song, hệ thống CGV (cũng là đơn vị phát hành phim này) còn khai trương 4 cụm rạp mới trong dịp lễ 30/4 vừa qua (Hà Nội, Rạch Giá, Yên Bái, Vĩnh Long) cộng với một số cụm rạp mới của Galaxy, BHD, Lotte, Cinestar, Beta Cineplex, Cinestar… xuất hiện liên tục trong năm 2016 và đầu 2017 đã khiến Em chưa 18 có lợi thế về số lượng rạp chiếu hơn hẳn Em là bà nội của anh. Đến đầu năm 2017, chưa tính các rạp truyền thống có sẵn, chỉ riêng các rạp theo quy chuẩn rạp chiếu phim hiện tại đã có đến 105 rạp với hơn 700 phòng chiếu trên khắp cả nước. Trong khi vào thời điểm công chiếu Em là bà nội của anh (cuối năm 2015), chỉ có 87 rạp và gần 600 phòng chiếu. Điều này góp phần khiến cho tốc độ “cá kiếm” trăm tỉ của phim cũng được rút ngắn hơn rất nhiều, cả phim Việt lẫn phim ngoại.
Hiện tại Em chưa 18 vẫn được giữ được nhiều suất ở các cụm Galaxy, đặc biệt là Galaxy Bến Tre với nhiều khung giờ đẹp dù Galaxy không phải đơn vị phát hành phim này
Bên cạnh yếu tố định lượng của rạp chiếu thì yếu tố định tính cũng rất quan trọng. Chính là số lượng rạp tăng thêm đa số đều ở thị trường tỉnh – những nơi vốn không mặn mà với phim ngoại. Ở các cụm rạp mới này, Em chưa 18 gần như bất khả chiến bại. Theo thống kê, có thời điểm doanh thu của phim chiếm đến 85% toàn bộ doanh thu của các phim được chiếu tại rạp.
Các khán giả ở tỉnh gần như rất khó kiếm được những suất chiếu của phim ngoại có giờ đẹp. Không chỉ Em chưa 18 mà phần lớn phim Việt đều áp đảo phim ngoại ở tỉnh từ trước đến nay. Có thể lý giải điều này dựa vào nhiều lý do như độ tuổi, cách tiếp cận thông tin, dân trí, thói quen xem phim, và cả lý do… không thích xem phim phụ đề. Kết hợp thêm những yếu tố về nội dung, giải trí, Em chưa 18 lại càng như “cá gặp nước”.
Không chỉ thế, nhu cầu xem phim Việt còn thể hiện rất rõ tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê, top các rạp có doanh thu phim cao nhất như Galaxy Kinh Dương Vương, Galaxy Quang Trung, Galaxy Nguyễn Hồng Đào, CGV Hùng Vương, CGV Thủ Đức, CGV Pandora, CGV Celadon Tân Phú, Lotte Cộng Hòa, Lotte Nam Sài Gòn, Lotte Cantavil, BHD 68 Bitexco, BHD Phạm Hùng, BHD Lê Văn Việt, Cinestar Nguyễn Trãi… đa phần đều có vị trí ở các khu vực rìa trung tâm, đông dân cư và có tỉ lệ khán giả phủ mỗi suất rất cao (trên 50% với các phim có chất lượng tốt và ăn khách).
Đặc biệt là các dịp lễ, tết, khi một lượng lớn các khán giả không thường xuyên xem phim có nhu cầu giải trí thì doanh thu tại các rạp này lại càng tăng cao đáng kể, nhất là những cụm rạp nằm trong các trung tâm thương mại lớn.
Chính vì thế, Em chưa 18 ra mắt vào dịp lễ 30/4 cùng chất lượng “vượt ngoài dự đoán” nên “được” xuất hiện với tần suất suất chiếu trung bình kín hơn những bom tấn ngoại quốc, điển hình là Guardians of the Galaxy 2 cũng là điều dễ hiểu. Cũng không thể nói hệ thống phát hành ưu tiên cho phim của họ, đơn giản là thị trường “cầu” gì thì họ sẽ “cung” đó.
Thông thường, các rạp chỉ sắp suất chiếu theo thoả thuận với nhà sản xuất ở tuần đầu tiên (với phim Việt thường là 3-5 suất/ngày hoặc 5-7 suất/ngày). Sau đó, tuỳ vào lượng vé bán ra mà mỗi rạp sẽ cho tăng suất, giữ suất hay rút bớt. Em chưa 18 vừa có kết quả chiếu sớm gây kỉ lục, vừa thu được hơn 15 tỉ (trong ngày 1/5) nên nghiễm nhiên trở thành phim được “ưu ái” nhất trong lịch chiếu.
Người Việt vốn vẫn thích xem phim Việt
Chúng ta vẫn hay kháo nhau rằng phim Việt quá chán, thà xem phim nước ngoài. Có không ít khán giả còn thẳng thắn cho phim Việt vào “blacklist” sau nhiều lần họ cho rằng bị đạo diễn “lừa”. Nhưng thực tế đã chứng minh yếu tố “sân nhà” quan trọng thế nào trong điện ảnh. Điển hình chính là Kong: Skull Island, doanh thu toàn cầu chỉ 565 triệu đô nhưng ở Việt Nam đạt đến 168,9 tỉ, vượt qua Fast and Furious 8 để trở thành phim ngoại có doanh thu cao nhất Việt Nam. Tất cả chính là nhờ từ khóa #vietnam. Vì yếu tố “phim Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam” mà cả những người vốn không có khái niệm ra rạp xem phim cũng tìm đến Kong.
Nhưng bây giờ Kong cũng phải chịu thua Em chưa 18. Con số 169 hiện tại (hơn Kong khoảng 5 triệu) chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những gì khán giả quan tâm. Người nước nào thì thích xem phim nước nấy, cuối cùng thì Việt Nam cũng đã vận được câu này vào mình khi mà phim có doanh thu cao nhất không phải một phim ngoại quốc. Đây không phải dấu hiệu của sự thụt lùi về thị hiếu hay ăn may, mà là một niềm tự hào mang tính dân tộc, là động lực cần có cho sự bùng nổ của phim Việt về sau.
Em chưa 18 không phải bộ mặt của phim Việt hay quy chuẩn cho mọi sự so sánh nhưng nó đã chứng tỏ tiềm năng của phim Việt vẫn còn rất lớn. Một cú nổ sẽ tạo động lực cho nhiều cú nổ hơn, chỉ cần các nhà đầu tư thấy được sự quan tâm của khán giả dành cho phim nội vẫn vô cùng lớn.
Tóm lại, yếu tố nội tại về chất lượng vẫn là thứ quan trọng nhất để khiến một bộ phim thành công. Nhưng yếu tố ngoại cảnh và đặc biệt là hệ thống rạp chiếu lại chính là thời cơ thiết yếu để sự thành công được hiện thực hóa dễ dàng và mạnh mẽ. Không phải tự dưng mà cuộc chiến thương trường của Tấm Cám – Chuyện chưa kể với CGV lại dữ dội như vậy trong năm rồi, vì độ phủ của rạp khá quan trọng với một bộ phim.
Phim hay thì khán giả tìm xem, để xem được thì phải có rạp chiếu, và muốn rạp chiếu thì phim phải thực sự được quan tâm. Tất nhiên đôi khi vẫn có những ngoại lệ hoặc góc khuất mà chúng ta không thể can dự, nhưng chất lượng – thời cơ rạp chiếu chính là sự tương hỗ quan trọng nhất cho một chiến thắng trên sân chơi điện ảnh.